Phó từ là gì? Các loại phó từ trong tiếng Việt

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Phó từ là gì? Là những từ được sử dụng phổ biến cả trong văn nói và văn viết; đây là một trong những chương trình học của Ngữ văn 6. Để nắm rõ các thông tin chi tiết về phó từ, phân loại và cách sử dụng, quý bạn đọc theo dõi nội dung chia sẻ trong bài viết dưới đây của Vietlearn.org!

Phó từ là gì cho ví dụ minh họa?

Phó từ là những từ được sử dụng đi kèm với các động từ, tính từ, trạng từ. Mục đích khi sử dụng phó từ đó chính là giúp cho trạng từ, động từ, tính từ rõ nghĩa hơn trong câu viết và câu nói.

Phó từ không có khả năng gọi tên sự vật, hành động và tính chất như danh từ, động từ và tính từ. Chính vì thế, phó từ là một loại hư từ còn danh từ, động từ, tính từ là những thực từ. Phó từ không đi kèm với danh từ mà chỉ đi kèm với tính từ, động từ.

Ví dụ minh họa về phó từ:

Các phó từ thường đi kèm với động từ để bổ sung ý nghĩa cho động từ như: đang, chưa, từng, đã,…

Các phó từ đi kèm với tính từ để bổ sung ý nghĩa cho tính từ như: Khá, lắm, hơi, rất,…

Phân loại phó từ trong tiếng Việt

Trong tiếng việt, phó từ được chia làm nhiều loại khác nhau, mỗi một loại lại có cách sử dụng, mục đích, ý nghĩa riêng, cụ thể:

Phó từ đứng trước động từ, tính từ: Loại phó từ này có nhiệm vụ làm rõ nghĩa liên quan đến hành động, trạng thái, đặc điểm,…được nêu ở động từ. Khi đứng trước tính từ, phó từ làm nhiệm vụ chỉ rõ hơn về sự tiếp diễn, mức độ, thời gian, phủ định và sự cầu khiến.

Phó từ đứng sau tính từ, động từ: Nhiệm vụ của loại phó từ này đó chính là bổ sung ý nghĩa về kết quả, khả năng, mức độ hoặc hướng.

Phó từ khi đi kèm với tính từ, động từ sẽ bổ sung ý nghĩa về các mặt sau:

Bổ sung ý nghĩa về thời gian

Các phó từ bổ sung ý nghĩa về mặt thời gian đó là đang, sẽ, sắp, đương,…

Ví dụ:

Đang sang xuân: “Đang” là phó từ chỉ tính chất mùa xuân ở hiện tại

Sắp đến mùa đông: “Sắp” là phó từ chỉ tính chất mùa đông ở tương lai

Từng có một mùa thu đẹp như thế: “Từng” là phó từ chỉ thời gian về quá khứ.

Phó từ chỉ mức độ

Các phó từ chỉ mức độ gồm: rất, quá, lắm,..

Ví dụ:

Cô ấy học rất giỏi: “Rất” là phó từ, chỉ mức độ học giỏi trên mức bình thường

Anh ấy khá bản lĩnh trước kẻ thù: “Khá” là phó từ dùng để chỉ mức độ bản lĩnh ở mức trung bình

Phó từ chỉ sự tiếp diễn

Các phó từ chỉ sự tiếp diễn đó là: cũng, vẫn,…

Ví dụ:

Ngoài học nhạc, tôi cũng học thêm cờ tướng: “Cũng” phó từ chỉ sự tiếp diễn cả hai môn học của nhân vật.

Anh ấy vẫn đang theo đuổi đam mê bằng sự quyết tâm của mình: “Vẫn” là phó từ chỉ sự tiếp diễn của việc theo đuổi đam mê.

Bổ sung ý nghĩa về mặt phủ định

Bao gồm các phó từ như chẳng, chưa, không,…

Ví dụ:

Tôi phải mất vài phút không nói lên lời sau khi gặp lại bạn cũ: “Không” là phó từ thể hiện sự phủ định.

Cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ ăn mắm tôm: “Chưa” là phó từ phủ định.

Bổ sung ý nghĩa về mặt cầu khiến

Gồm các loại phó từ như đừng, thôi, chớ,…

Ví dụ:

Đừng làm chú mèo tổn thương: “Đừng” là phó từ chỉ sự cầu khiến, không nên làm chú mèo bị tổn thương.

Hãy thôi động vào cô ấy: “Thôi” phó từ cầu khiến.

Bổ sung ý nghĩa về mặt khả năng

Các phó từ bổ sung ý nghĩa về mặt khả năng đó là có lẽ, có thể, không thể,…

Ví dụ:

Chúng ta có thể làm tốt hơn nếu cố gắng

Anh ấy có lẽ sẽ không bao giờ quên được cô ấy

Bổ sung ý nghĩa về kết quả

Bao gồm các phó từ như mất, được,..

Ví dụ:

Nhân lúc mọi người không để ý, con mèo đã ăn mất con cá

Cô ấy đã cố gắng nhiều 2 năm liền để nhận được danh hiệu thạc sĩ

Phó từ bổ sung ý nghĩa về mặt tần số

Bao gồm các phó từ như luôn, thường,…

Ví dụ:

Các trường học thường xuyên tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường

Chúng tôi luôn đề cao tinh thần cảnh giác trước kẻ thù.

Phó từ bổ sung ý nghĩa về tình thái

Các phó từ bổ sung ý nghĩa về tình thái như đột nhiên, bỗng nhiên,…

Ví dụ:

Cô ấy đột nhiên kêu toáng lên

Trời bỗng nhiên tối sầm lại

Phân biệt phó từ và trợ từ trong tiếng việt

Có khá nhiều người nhầm lẫn giữa phó từ và trợ từ, do đó Vietlearn.org sẽ hướng dẫn bạn cách phân biệt “chuẩn” nhất, cụ thể:

Về ngữ pháp

Phó từ thường đi với từ chính (trung tâm), đứng gần, có thể là trước hoặc sau từ trung tâm.

Trợ từ đôi khi là đứng đầu câu, giữa câu hay cuối câu. Trợ từ không làm ảnh hưởng trực tiếp đến từ chính trong câu mà có thể bị lược bỏ mà không làm ảnh hưởng tới kết cấu ngữ pháp.

Về ngữ nghĩa

Phó từ có chức năng bổ sung nghĩa cho các thành phần trung tâm trong câu, ví dụ như các nghĩa về thời gian, mức độ,….

Trợ từ giúp câu có sắc thái ý nghĩa; có tác dụng biểu lộ trạng thái, cảm xúc, tâm trạng một cách hiệu quả.

Mong rằng, các thông tin trong bài viết “Phó từ là gì? Các loại phó từ trong tiếng Việt” sẽ mang tới cho bạn nhiều kiến thức hữu ích. Truy cập Vietlearn.org để tìm hiểu nhiều thông tin hữu ích khác.