Quang phổ kính là cái gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Quang phổ kính chỉ là một “cái máy” (dụng cụ) để chụp quang phổ. Ảnh này được gọi là quang phổ ký. Dùng kính quang phổ, nhà khoa học có thể cho ta biết một ngôi sao ở xa tít mù kia được cấu tạo bằng những chất gì, chẳng những thế, nhà thiên văn còn có thể cho biết nhiệt độ, tốc độ chuyển động, nó đang di chuyển ra xa hay lại gần trái đất!

Sở dĩ nhà khoa học có thể cho ta biết những dữ kiện ấy là vì ánh sáng “trắng” thực ra là một tổng hợp ánh sáng bảy sắc (đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím). Ta cho ánh sáng mặt trời chiếu qua lăng kính – một khối kính tam giác – ánh sáng ấy sẽ bị lăng kính phân tích thành một dải ánh sáng bảy sắc (màu cầu vồng). Dải màu này gọi là quang phổ ký (spectrum).

Năm 1814, ông Joseph von Fraunhofer lấy kính thiên văn để nhìn vào quang phổ ký của nhiều ngôi sao. Ông nhận thấy trong tất các quang phổ ký ấy đều có hàng trăm đường thẳng song song. Ông đã cẩn thận ghi đúng vị trí của những đường ấy (màu tối) khi chúng xuất hiện trên các quang phổ ký. Các đường này được đặt cho cái tên là “tuyến Fraunhofer”. Ý nghĩa của các đường này là như thế nào? Mỗi hóa chất trong trạng thái hơi (khí) có kiểu riêng và có vị trí riêng trên quang phổ ký này. Những vạch này thay cho màu của ánh sáng mặt trời khi hóa chất đó đạt tới điểm phát quang.

Sự kiện này giúp cho các nhà khoa học phát hiện ra các chất cấu tạo của bất cứ thiên thể (ngôi sao) nào dù ở xa tới đâu. Cứ so sánh quang phổ ký của ngôi sao được quan sát với quang phổ ký đã biết (được dùng làm chuẩn) trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học sẽ cho ta biết chất liệu của ngôi sao đó.