Sao băng là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum

Từ hàng ngàn năm trước, nhìn thấy sao băng, con người đã kinh ngạc tự hỏi: nó là gì? Nó từ đâu tới? Và con người đã tin rằng nó từ thế giới khác tới.

Thật ra, như ngày nay ta biết, gọi là “sao” thì không đúng. Phải gọi là thiên thạch hay vẩn thạch, tức là những viên đá nhỏ xíu bay lờ phờ trên trời thì mới đúng. đó là những khối chất vật thể đặc, diện tích nhỏ thôi. Chúng trôi nổi trong không gian, tình cờ đi ngang qua trái đất liền bị sức hút của trái đất kéo vào bầu khí quyển, đốt cho cháy tiêu luôn. Khi một vẩn thạch rớt vào bầu khí quyển ta có thể thấy nó dưới dạng một vệt sáng dài. Vệt sáng này do vẩn thạch cọ xát vào khí quyển sinh nhiệt, vẩn thạch bị cháy sáng lên vậy thôi.

Cũng khá kỳ lạ là vẩn thạch thường rất nhỏ, có khi chỉ bằng đầu kim găm. Họa hiếm cũng có thiên thạch nặng hàng tấn. Hấu hết các vẩn thạch bị cháy tiêu trong bầu khí quyển, chỉ có những thiên thạch lớn mới rơi xuống đất. Các nhà khoa học tin rằng hàng ngày và hàng đêm, trái đất “hứng” được có hàng ngàn đến hàng vạn vẩn thạch. Ban ngày cũng có “sao băng” nghe bạn. Nhưng không nhìn thấy nó vì ánh sáng của sao băng bị ánh sáng mặt trời át đi nên không thấy. Vả lại, hầu hết mặt địa cầu là nước nên các vẩn thạch ấy rớt xuống biển, xuống các đại dương.

Vẩn thạch thường xuất hiện lẻ tẻ và thường chẳng đi theo hướng nhất định nào. Nhưng cũng có khi có những “đám rước” có đến hàng ngàn vẩn thạch. Trong khi di chuyển theo quỹ đạo quanh mặt trời, trái đất có thể đi ngang gần một “đám rước” vẩn thạch. Thế là “đám rước” này được “mời” vào khí quyển của trái đất để làm “hội hoa đăng” – nếu là ban đêm – hay là “mưa rào vẩn thạch” cho bà con coi chơi.

Vẩn thạch từ đâu tới? Ngày nay các nhà khoa học cho rằng định kỳ có những “đám rước” vẩn thạch do mảnh vỡ của các sao chổi tạo ra. Khi sao chổi bị bể vụn thành hàng triệu mảnh nhỏ, các mảnh này cứ phiêu du bềnh bồng trong không gian tạo thành “đám rước” thiên thạch và vẩn thạch.

Ngay từ thời La Mã – năm 467 trước Công nguyên – người ta đã khảo sát hiện tượng các vẩn thạch rớt xuống địa cầu và ghi vào sổ sách.