Sâu hóa bướm như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum đã bao giờ bạn nghe nói một giống sinh vật không cần ăn mà vẫn sống phây phây chưa? Chắc bạn lại cho là xạo!? đúng là có xạo phần nào. Bởi vì không phải là tất cả các giống bướm mà chỉ có một số giống bướm – trong suốt cuộc đời mình – không hề ăn gì mà vẫn sống.

Trong suốt một đời mình, một chị bướm cái đẻ từ 100 cho đến vài ngàn trứng. Chị ta cẩn thận để trứng gần những nơi hữu ích cho con chị sau này. Nhưng nếu chẳng may trong cả vùng chỉ có mỗi một cây thôi thì chị cũng đành lòng. đâu có ôm mãi trứng trong bụng để chọn cho được nơi ưng ý mới chịu đẻ trứng!?

Từ trứng này sẽ nở ra một ấu trùng nhỏ xíu xìu xiu. Thế nhưng nhỏ thì nhỏ, ngay lập tức khi vừa ra chào đời, các ấu trùng háu ăn kinh khủng và chúng đã ăn lia lịa. Ăn nhiều, lớn lẹ vì thế “áo quần” hóa chật “liền liền”. Cứ vài ba bữa là lột xác. mỗi lần lột xác, mỗi lần lớn thêm bộn. Trong suốt giai đoạn này, ấu trùng chỉ làm một việc duy nhất: ăn, chúng ăn để giữ chất dinh dưỡng cho cả một cuộc đời lâu dài làm bướm sau này. Thực phẩm được dự trữ dưới dạng mỡ, đồng thời cũng chính là nguyên liệu để tạo ra đủ thứ cơ phận và dụng cụ cho đời làm bướm, chẳng hạn như đôi cánh sặc sỡ, cái vòi hút nhụy, những đôi chân…

Vào một thời điểm nào đó sâu bướm cảm thấy đã đến lúc đổi đời – hay đổi lốt – lúc đó chúng sẽ tạo ra một cái kén chui vô đó “sắm tuồng”. Nằm chổng ngược đầu trở xuống trút bỏ bộ áo sâu bướm lông lá gớm ghiếc để trở thành con nhộng nhẵn nhụi, sau đó dùng cặp gai ngạnh ở một đầu thân kẹp chặt lấy một đầu kén.

Cứ trong tư thế đó, nhộng nằm ngủ vài tuần, có giống vài tháng. Nói là ngủ chứ thực ra trong thời gian đó cơ thể nhộng hoạt động tưng bừng, ráo riết để mau chóng lột bỏ bộ áo sâu bọ đi. đến ngày, đến tháng đã định, bộ áo nhộng kia cũng bị chê và lột bỏ. Khi lột xong bộ áo, sâu đã hóa thân thành bướm. Nhưng không phải thành bướm là có thể nhởn nhơ bay đi khoe đôi cánh rực rỡ của mình liền. đôi cánh ấy còn mềm, còn ướt phải hong cho khô ráo và cứng cáp lên đã, trong lúc phơi cánh, bướm nôn nóng bò tới bò lui chậm chạp – vì đâu đã mạnh hẳn – để chờ đợi giờ phút huy hoàng. Giờ ấy đã điểm. Bướm cất cánh bay lên và tức thời đi tìm một bông hoa nào đó để hút mật.

Lịch sử cuộc đời bướm đêm cũng vậy thôi. Có điều bướm đêm có nhiều “nòi” (nhiều thứ) hơn bướm ngày. Chỉ riêng ở Bắc mỹ đã có trên 8.000 “nòi” bướm đêm mà chỉ có khoảng 700 “nòi” bướm ngày.