sâu thiên ngưu có hại gì cho cây cối?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 7 – Arkady Leokum
Có những cây trong công viên hoặc vườn cây ăn quả trong bên ngoài đều đầy đủ cành lá, nhưng có cây lại khô héo, chỗ thân cây gần mặt đất có các vết nứt hoặc là có các lỗ nhỏ đó chính là do sâu thiên ngưu gây ra.
Có tới khoảng hai vạn loại thiên ngưu, đa số là côn trùng có hại của cây cối. Thử lấy sâu thiên ngưu thường thấy để xem xét: chúng ta dễ tìm thấy thành trùng của chúng ở trên cành cây vì chúng có thói quen tĩnh tại. Thân của thành trùng sâu thiên ngưu hình ống tròn, màu đen, trên cánh vỏ có các nốt lấm chấm trắng dạng như sao. hai phía ngực trước có hai cục nhô lên tựa như cái áo mặc có miếng lót vai. Chân dài và mạnh. Mắt kép rất đặc biệt tựa như hình quả thận lõm vào vây lấy chung quanh râu xúc giác. Điều đặc biệt nhất là râu xúc giác mọc ở trước trán thành dạng râu, rất dài, có thể tới 15-75mm, dài gấp 3-5 lần thân mình, râu có 12 đoạn nên dễ thấy. Miệng phát triển mạnh. Giữa tháng 6 đến tháng 8, trùng cái sau khi giao phối bò lên cành cây gần mặt đất cắn thành miệng lỗ rồi đẻ trứng ở đó. Trứng hình bầu dục màu sữa. Khoảng 10 ngày, trứng nở thành ấu trùng tựa như con nhộng vậy, đầu màu nâu, mình màu trắng, không có chân, hàm rất phát triển. Thời kỳ đầu, nó xoay đi xoay lại dưới vỏ cây, sau khi lớn lên, chuyên đục phần gỗ thành các rãnh cong queo giao nhau và vừa ăn vừa xả, đem cặn bã của đồ ăn và phân chất đống vào một chỗ. Nó trú qua mùa đông ở trong cây ở dạng ấu trùng. Giữa tháng tư, tháng năm năm thứ hai, qua nhiều lần lột xác, nó dịch đến miệng lỗ, lấy mạt gỗ lấp miệng lỗ lại, bắt đầu hóa thành con nhộng hình dạng cọc sợi, màu vàng nhạt. sau khi nhộng mọc lông sẽ bò ra miệng lỗ để bay đi.
Do thời kỳ từ trứng đến nhộng thiên ngưu đều sống trên cành cây nên khó phát hiện. Nó lại đục khoét vỏ cây và thân cây làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây cối. Cho nên, sâu thiên ngưu là côn trùng có hại cho cây ăn quả và cây cối khác. Đặc biệt là các cây đào, táo, cam, quít, quất, dâu bị hại rất nặng. Có hàng ngàn cây trong vườn cây ăn quả bị chúng đục khoét, không những chúng làm cây cối bị chết mà còn phá hoại cả gỗ của cây nữa.
Trong thiên nhiên có một kẻ thù tự nhiên của thiên ngưu, đó là ong chân phù, mình chỉ dài 3-4mm. sau khi tìm thấy ấu trùng thiên ngưu, ong chân phù lấy kim đuôi chích nhiều lần vào mình ấu trùng và tiết ra chất độc để cho ấu trùng bị tê liệt. ong sẽ hút chất lỏng trong mình ấu trùng để bổ sung dinh dưỡng, sau đó đẻ trứng vào chỗ nếp nhăn ở hai bên bụng ngực ấu trùng thiên ngưu. ong cái đẻ trứng xong còn ở lại bên cạnh quan sát, nếu thấy trứng rơi khỏi thân ấu trùng thì lấy chân gạt về chỗ cũ và còn ở lại theo dõi. Độ 1-2 ngày sau, trứng ong nở ra ấu trùng, chúng rúc đầu vào trong mình con thiên ngưu để hút chất lỏng. sau khi trưởng thành, kết thành kén, hóa nhộng, mọc lông và cùng bay với ong mẹ.