Tại sao ánh sáng trên ngọn hải đăng phải luôn luôn nhấp nháy?
Hải đăng đã có lịch sử rất lâu đời. Ngọn hải đăng trên đảo Faros ở cảng Alexandria của Ai Cập cổ, từng được liệt vào một trong bảy kỳ quan lớn của thế giới cổ đại. Ngọn hải đăng định hướng cho các tàu bè thường xây ở nơi cao ven bờ, hoặc đứng sừng sững trên nham thạch san hô nhô lên ở trên sóng biển, ánh đèn sáng tỏ của nó đã dẫn dắt vô số tàu bè thoát khỏi các lớp đá ngầm nguy hiểm, chạy theo hướng đi chính xác.
Điều thú vị là, sự phát sáng của đèn biển không phải là sáng thường xuyên, mà luôn sáng rồi tắt, tắt rồi lại sáng, nhấp nháy rất có quy luật. Tại sao như vậy?
Hiển nhiên là, ánh đèn sáng rồi tắt, tắt rồi sáng sẽ càng khiến cho tàu bè qua lại chú ý, đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho đèn biển nhấp nháy thường xuyên như vậy. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, tần số nhấp nháy của mỗi đèn biển quan trọng lại không giống nhau, ví dụ ánh sáng nhấp nháy của tháp đèn ở quần đảo Scilly của Anh cứ cách 15 giây lại loé sáng lên hai giây, còn tháp đèn ở Nam Falun của Thuỵ Điển thì cứ hai giây nhấp nháy một lần. Căn cứ theo đặc trưng của khoảng cách thời gian nhấp nháy, người đi biển có thể tìm trên bản đồ hàng hải đó là vùng biển nào, vị trí của nó có kinh độ và vĩ độ bao nhiêu, vùng biển phụ cận của tháp đèn có đá ngầm v.v. hay không, để tiện cho tàu bè kịp thời có biện pháp tránh, tìm được đường đi an toàn.
Có trường hợp, trên mặt biển có sương mù dày đặc làm hạn chế ánh sáng của đèn biển, lúc này tháp đèn có thể phát ra tiếng cảnh báo, để bổ sung hoặc thay thế ánh sáng dẫn đường. Tuy rằng sau khi có thiết bị dẫn đường bằng vô tuyến điện và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu tiên tiến hơn, việc điều khiển hướng đi sẽ chính xác hơn, nhưng đối với các tàu đánh cá thông thường, các du thuyền, sà lan, tàu chở hàng loại nhỏ, thì ánh sáng nhấp nháy của tháp đèn biển vẫn là ánh sáng chỉ đường không thể thiếu được đối với các phương tiện giao thông đó.
Từ khóa: Hải đăng.