Tại sao bạn không nghe được tiếng Anh? 3 lý do và cách khắc phục

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Khi học một ngoại ngữ bất kỳ, kỹ năng nghe (LISTENING) luôn được xem là kỹ năng khó nhất và đáng sợ nhất. Học sinh sợ sự mơ hồ, tính thiếu chính xác đi kèm với việc nghe – nói (anh ấy vừa nói accept hay except?), trái ngược với tính chắc chắn của phần đọc – viết (nhìn được cụ thể từng chữ trên giấy). Chuyện này không chỉ xảy ra với riêng tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ thời đi học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật, trước giờ thi môn Nghe thì ngay cả những bạn giỏi nhất cũng mất tự tin ít nhiều.

Như bài trước đã chứng minh, nghe và nói là những kỹ năng tầm thấp, cần được phát triển trước tiên. Trong bài này tôi sẽ đề cập đến lý do cụ thể dẫn đến sự yếu kém của học sinh, kèm với phương án giải quyết.

Trách nhiệm trước hết thuộc về giáo viên. Như đã nói, nhiều giáo viên chỉ am hiểu hệ WRITTEN và họ áp dụng mù quáng hệ quy tắc WRITTEN vào SPOKEN, cho nên người học không được trang bị bất cứ kiến thức nào hữu ích về LISTENING.

Việc dạy nghe một cách đúng đắn quá phức tạp vì giáo viên thiếu tài nguyên tham khảo. Những giáo trình phổ biến ở Việt Nam chỉ dạy học sinh nghe người khác ĐỌC BẰNG MỒM các nội dung soạn theo hệ WRITTEN, không phải giáo trình dạy SPOKEN một cách thực thụ. Do chưa có cách giải quyết, người dạy tự an ủi bản thân rằng học sinh sẽ dần dần TỰ ĐẠT ĐƯỢC kỹ năng nghe nếu cứ…nghe mãi. Niềm tin này phổ biến đến mức mọi học sinh tôi từng gặp đều tự mặc định đó là sự thật 100% và không bao giờ thắc mắc. Việc “cứ nghe mãi” cũng vô ích như việc gập bụng thật nhiều để giảm eo: chỉ tổ đau cột sống mà chẳng ích gì.

Từ phía học sinh, kỹ năng nghe khó đạt được do hạn chế của mô hình lớp học. Trên lớp, học sinh chỉ được tiếp xúc với một chất giọng (accent) duy nhất là giọng của giáo viên. Đã vậy, giáo viên thường nói theo phong cách “nói cho người điếc nghe”, tức là nói chậm rãi, tròn vành rõ chữ từng từ một (giống như cách bạn nói tiếng Việt cho một anh tây) để đảm bảo mọi học sinh trong lớp đều hiểu.

Do chỉ được nghe chủ yếu một loại tiếng Anh trong suốt quá trình học, học sinh bị choáng khi tiếp xúc với môi trường nghe thực tế (phim ảnh, radio, hội thoại trực tiếp), nơi mỗi người có accent và tốc độ nói khác nhau. Nó giống như việc bạn đã quen đọc chữ in rồi đột nhiên bị bắt đọc cả cuốn tiểu thuyết viết bằng chữ viết tay xa lạ; thấy khó hiểu và bực mình là những phản ứng tất yếu.

Về mặt tư duy (của cả giáo viên lẫn học sinh), có một điểm nghẽn trong phương pháp tiếp cận LISTENING. Ở hệ WRITTEN, bạn có thể tự tin rằng mình hiểu 100% những gì tác giả viết (vì text lù lù ra đấy). Bạn đạt được sự diễn giải hoàn hảo về thông điệp của người kia (100% interpretation) vì bạn nhìn thấy 100% những gì được viết ra. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ở trên lớp, tôi thường chứng minh điều này bằng bài test rất đơn giản như sau:

. Chiếu một câu (trích trên báo) dài khoảng 20 từ lên màn hình

. Cho học sinh đọc hết, tắt màn hình và yêu cầu mọi người viết lại chính xác 20 từ vừa được nhìn kỹ

Đến đây có lẽ bạn cũng đoán ra kết quả. Phần lớn học sinh chỉ viết lại được chính xác 3 từ mà thôi, tức là chỉ 1/7 những gì nhìn thấy, nhưng tất cả đều có thể nhắc lại nội dung (message) của câu trên dưới dạng những từ khác (different wording). Chỉ 3 từ là đủ để tái tạo lại message của người viết, bởi vì bộ não sẽ dùng những thông tin sẵn có (ví dụ như hiểu biết của bạn về người viết, về đề tài…) để lấp đầy chỗ trống.

Việc nhắc lại 100% những gì nhìn thấy trên text cụ thể còn khó, vậy bạn không nên kỳ vọng làm được điều này trong môi trường nghe (chịu thêm ảnh hưởng nặng nề về tốc độ nói, chất giọng, ngữ cảnh…). Mục tiêu nghe không phải 100% interpretation mà phải là REASONABLE INTERPRETATION, tức là hiểu được thông điệp chính của người nói. Giải quyết được áp lực tâm lý này, học nghe ngoại ngữ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Bạn không cần nghe rõ cả câu. Việc nghe được hết 100% những từ được nói thậm chí còn LÀM CẢN TRỞ khả năng LISTENING. Đây là lý do nhiều bạn phàn nàn rằng mình NGHE ĐƯỢC RÕ TỪNG CHỮ MỘT nhưng nghe xong câu lại chẳng hiểu người ta nói gì (!?).

Vậy chuyện gì thực sự xảy ra trong một cuộc hội thoại bình thường?

Trong hệ SPOKEN, người nói sẽ đóng gói (compress) một lượng lớn thông tin vào trong câu (utterance). Người nghe nhận gói thông tin (package) này và giải mã nó dựa trên cách hiểu riêng của mình về từng từ, kèm theo hiểu biết của chính mình về ngữ cảnh (context). Kết quả giải mã có thể không đúng 100% và đây là chuyện bình thường (vì thế chúng ta mới hay cãi nhau). Quá trình này có thể được mô tả bằng sơ đồ dưới đây (Ảnh).

Nền tảng lý thuyết trên được áp dụng trên thực tế ra sao?

Khi tập nghe ngoại ngữ, bạn cần phân bổ sự chú ý (mental resources) của mình vào đúng chỗ. Giáo viên thường đưa ra một lời khuyên vô bổ cho học sinh rằng họ phải “tập trung vào keyword”, nhưng thế nào là keyword? Làm sao tôi nhận ra được keyword khi tất cả những gì tôi nghe được chỉ là một chuỗi âm thanh bùng nhùng?

Trong thế giới SPOKEN, keyword luôn được đánh dấu bằng volume (nói to) và clarity (nói rõ ràng).

Một câu nói điển hình nhìn dưới góc độ volume:

Để hiểu một câu nói, bạn chỉ cần nghe được những từ mà người ta nói to và rõ, vì đây là phần mang thông tin quan trọng nhất. Vì thế, trong trường hợp bạn không nghe được một số phần của câu, việc cần làm KHÔNG PHẢI LÀ TUA LẠI HAY HOẢNG SỢ. Bạn nên đánh giá xem thông tin mình bỏ lỡ có quan trọng hay không? Nếu nó chỉ là một chuỗi âm thanh nhỏ và líu ríu, bạn có thể bỏ qua không thương tiếc. Chúng ta phải nhớ rằng mật độ thông tin trong hệ SPOKEN rất thấp, và khả năng cao là những gì bạn không nghe được thực ra chỉ toàn “rằng thì mà là”, không có giá trị gì hết. Đây là tình huống thường xảy ra nhất.

Nhưng nếu một từ được nói to dõng dạc lại là từ bạn không biết (một từ mới), bạn phải làm gì. Cũng như trên, đừng tua lại và đừng hoảng sợ. Trong trường hợp không nhận diện được một từ, việc nghe lại lần thứ hai, thứ ba thường không giúp ích gì thêm.

Đến đây chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang sống trong thế giới SPOKEN, nơi mà ngôn ngữ hoạt động khác với hệ WRITTEN quen thuộc. Ở WRITTEN, thông tin chỉ xuất hiện một lần và rất cô đọng. Trong văn viết, lặp lại thông tin là một lỗi nghiêm trọng (“huge big tree” tất nhiên bị coi là sai). Nhưng trong SPOKEN, tính lặp (redundancy) mới là nguyên tắc thống trị. Một mẩu thông tin sẽ xuất hiện lặp đi lặp lại dưới nhiều dạng khác nhau (“the huge tree, the big one over there, you see”). Điều này đảm bảo listener nắm được message và tránh hiểu nhầm. Vậy khi không nhận diện được A, bạn nên suy ra A từ những thông tin xung quanh nó. Trước và sau A thường là những từ mang nội dung tương tự. Vẫn câu phía trên nhưng nhìn từ góc độ redundancy:

Ví dụ yêu thích của tôi về redundancy, xuất hiện ngay trong bài Idiom 1 của lớp Méo Miệng:

A: I just got canned. Fine though, can’t stand my boss any more.

B: What? You got fired? What happened?

Khi không hiểu nghĩa của idiom “got canned”, việc của bạn là BÌNH TĨNH NGHE TIẾP vì bạn BIẾT CHẮC CHẮN RẰNG thông điệp của “got canned” sẽ được lặp lại (hoặc có thể suy ra) từ thông tin phía sau.

Việc nghe có vẻ khó thực chất là do tắc nghẽn trong quá trình tư duy, vì chúng ta áp đặt quy luật và kỳ vọng của WRITTEN vào thế giới SPOKEN. Chỉ cần nắm chắc nền tảng lý thuyết trình bày ở trên, tôi chắc chắn bạn có thể tự tin xem phim mà không cần bật subtitles nữa. Thay vì xoáy sâu vào những gì mình không nghe được, hãy tập trung vào phần mình nghe rõ và nhắm tới reasonable interpretation của bộ phim. Chúc các bạn học nghe vui vẻ.