Tại sao cá ấn thích sống dựa vào lưng những động vật lớn ở hải dương?

Cá ấn là một loại cá biển rất thú vị, nó chu du khắp nơi trong nước, nhưng nó thường không phải tiêu hao một chút sức lực nào, mà là dựa vào sức lực của kẻ khác. Vì vậy, cá ấn đã trở thành “lữ hành gia miễn phí” nổi tiếng.

Cá ấn vốn bản tính lười nhác, thân hình lại chẳng có điểm nào xuất chúng, nhưng ở phần cổ của nó có một miệng hút lớn hình bầu dục, hình dáng rất giống dấu ấn, tên gọi của cá ấn cũng chính là được bắt nguồn từ đó. Do nó có miệng hút đặc biệt này mà chỉ cần vừa nhìn thấy cá voi, cá mập, rùa biển hay một số loài cá lớn bơi gần qua, là nó liền lợi dụng miệng hút dính chặt theo, bản thân nó không phải tiêu tốn một chút sức lực nào mà có thể bơi khắp biển một cách thoải mái.

Lực hút của miệng hút cá ấn rất lớn, bởi vì ở trong miệng hút có một thớ thịt, khi vừa dính lên động vật khác thì nước ở bên trong thớ thịt sẽ được đẩy ra, dưới tác dụng của áp suất nước biển sẽ sinh ra lực hút.

Cá ấn dựa vào thân động vật lớn ở biển để “du lịch” khắp nơi, điều này mang lại lợi ích thực tế gì đối với nó? Do các động vật lớn ở biển thường có kĩ năng bắt mồi tương đối xuất sắc, sau khi chúng bắt được con mồi liền nuốt chửng, thường không thể tránh được rơi rớt một số vụn thức ăn, những vụn này đối với cá ấn bé nhỏ cũng đủ để no bụng rồi. Do vậy, cá ấn sống dựa trên thân động vật lớn ở biển không chỉ đã trở thành “lữ hành gia miễn phí”, mà còn là “thực khách miễn phí” nữa.