Tại sao cá thích bơi lội thành đàn?
Trong rất nhiều phim tài liệu phản ánh thế giới đáy biển, chúng ta thường nhìn thấy bức tranh như sau: Cá cùng một loài thích tụ tập thành đàn với nhau, lúc thì bơi sang đông, lúc thì bơi sang tây, giống như một đội quân lớn chuyển động nhanh chóng, cảnh tượng rất hùng vĩ.
Có thể có người sẽ hỏi, một số động vật quần cư trên đất liền, nhiều cá thể sinh sống với nhau, trong đó có một con là vua của quần thể, dưới sự chỉ huy của nó, quần thể giúp đỡ lẫn nhau để bắt mồi hay phòng ngự kẻ địch có hiệu quả hơn. Nhưng trong loài cá lại không có vua cá, tại sao chúng muốn dứt bỏ cuộc sống tự do tự tại, di động theo tập thể vậy?
Các nhà khoa học khi nghiên cứu đàn cá trong hải dương đã phát hiện ra đàn cá bơi lội hầu như đều có quy luật như vậy, đó chính là hình dáng to nhỏ của chúng gần giống nhau, mà còn hàng trước và hàng sau của cả đàn cá, xếp đan xen nhau rất đều. Sự sắp xếp theo thứ tự như vậy có tác dụng gì?
Do cá hàng trước khi bơi lội về phía trước sẽ kéo dòng nước ở phía sau chảy về phía trước. Như vậy, cá hàng sau vừa vặn đặt mình vào trong dòng nước này, thân đẩy về phía trước theo dòng nước, chúng chỉ cần tiêu hao năng lượng rất ít vẫn có thể duy trì tốc độ bơi giống như cá hàng trước.
Với quy luật như vậy, cá của hàng thứ ba, hàng thứ tư… đều có thể nhờ vào cá hàng trước để sinh ra lực hướng về phía trước dòng nước, bơi về phía trước một cách nhẹ nhàng. Các nhà khoa học dự doán rằng, trong cả đàn cá có khoảng một nửa đàn cá bơi áp dụng phương pháp tiết kiệm sức này dưới sự giúp đỡ của đồng loại.
Điều thú vị là trong quá trình đàn cá bơi, mỗi hàng cách nhau thời gian nhất định, cá hàng trước và cá hàng sau còn có thể tự động thay đổi vị trí làm cho tất cả đều có cơ hội bơi tiết kiệm sức.
Nhiều loại cá cần di chuyển trở đi trở lại (hồi du) với khoảng cách dài, như cá hố, cá hoa vàng…, đều là bơi kết thành đàn với nhau, chúng chính là lợi dụng phương pháp tiết kiệm năng lượng khéo léo này để bơi vượt những chặng đường liên tiếp dài dằng dặc.