Tại sao cá voi phun nước?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Tuy gọi là cá – vì nó sống ở dưới nước – nhưng cá voi lại là động vật có vú, máu nóng, sinh con chứ không đẻ trứng. Và cá voi con cũng bú sữa mẹ như các động vật có vú khác khi còn nhỏ.
Cá voi – như các động vật có vú sống dưới nước khác – là hậu duệ của động vật sống trên cạn. Chúng đã phải mất một thời gian dài để thích ứng với đời sống dưới nước, có nghĩa là phải mất hàng triệu năm cơ thể của cá voi thay đổi liên tục để thích ứng với đời sống dưới nước.
Cá voi không có mang và thở bằng phổi nên khi thay đổi môi trường sống từ trên cạn xuống nước thì dĩ nhiên sự thay đổi bộ máy hô hấp của cá voi là cực kỳ quan trọng đối với nó. Lỗ mũi của nó nằm tuốt luốt trên đỉnh đầu gần sát với lưng để nó có thể thở dễ dàng trên mặt nước.
Lặn xuống nước, hai lỗ mũi nó được bít lại bằng những cái “nắp” (van) nhỏ. đường ống không khí thông với miệng cũng bít lại để nước không bị lọt vào phổi, cứ mỗi năm hay mười phút cá voi thường trồi lên mặt nước để thở. Nhưng nó có thể lặn dưới nước luôn một lèo 45 phút, tất nhiên là không thở. Khi trồi lên mặt nước nó thở “phì” một cái thật mạnh để tống không khí “đã xài rồi” ở trong phổi ra. Khi thở ra như vậy, từ xa ta cũng có thể nghe thấy tiếng “phì” dài. Khi “phì” ra như vậy thì nó tống ra những gì? Nó không “phì” ra nước đâu mà là không khí “đã xài rồi” nhưng đậm hơi nước đó thôi.
Cá voi phun phì như vậy một hồi cho đến khi nó thay đổi hoàn toàn không khí trong phổi mới lại lặn xuống. Người ta biết được là có vài loại cá voi lặn sâu được tới 610m dưới mặt nước! Nhiều khi cá voi lớn chỉ lặn cái đầu và mình xuống nước, còn đuôi thò lên mặt nước quẫy đùng đùng. Cũng có khi nó nhảy vọt lên khỏi mặt nước nữa.