Tại sao cây chè lại thích hợp trồng ở vùng có tính axit?
Vùng núi và vùng bán sơn địa của Trung Quốc đa số là vùng đất có tính axít, lá chè mà những nơi này sản xuất có chất lượng rất cao, ví dụ chè “Long Tỉnh” ở Chiết Giang, chè “Đôn Lộc” ở An Huy, chè “Thiết quan âm” ở Phúc Kiến, chè “Ngọc Bích” ở Giang Tô… đều là những loại chè nổi tiếng trong ngoài nước. Tại sao ở vùng này có thể sản xuất nhiều loại chè nổi tiếng như vậy? Ngoài yếu tố môi trường khí hậu cho chè sinh trưởng và kĩ thuật sản xuất chè ra, còn có liên quan đến đất ở những nơi này có tính axit.
Đất có tính axit đặc biệt phù hợp với cây chè, trước tiên là do cây chè sinh trưởng cần môi trường có tính axit. Theo phân tích hoá học, trong dịch ở rễ cây chè có chứa nhiều các axit hữu cơ như axit citric, axit malic, axit oxlic, axit succimat…Chất dịch được tạo thành do axit hữu cơ có tính axit khá lớn, và tính kiềm thấp; cũng có thể nói cây chè khi gặp môi trường sinh trưởng có tính axit, chất dịch tế bào của nó sẽ không bị phá hoại, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng về mặt sinh lý cây chè có thể đặc biệt thích ứng với đất có độ axit.
Thứ hai, xét về tính chất đất axit, nó còn có hai tính chất nổi trội:
Một đặc tính của đất axit, là có ion nhôm, tính axit càng mạnh thì ion nhôm càng nhiều. Mà trong đất kiềm trung tính và đất kiềm nói chung, do nhôm không thể hoà tan cho nên cũng không có sự tồn tại của ion nhôm. Nhôm đối với thực vật nói chung, không những không phải là một nguyên tố dinh dưỡng cần thiết, mà nếu nhiều ngược lại gây độc. Đất có tính axít mạnh thường không thích hợp với các loại cây trồng khác, một trong những nguyên nhân là ion nhôm quá nhiều. Đối với cây chè thì khác, theo phân tích hoá học: Cây chè khoẻ mạnh có thể chứa tới khoảng 1% nhôm, điều này chứng tỏ chè yêu cầu đất cũng phải cung cấp một lượng nhôm đủ, mà đất axít vừa vặn đáp ứng đủ yêu cầu này của chè.
Một đặc tính khác của đất axít là chứa ít canxi. Canxi là một trong những nguyên tố dinh dưỡng cần thiết trong quá trình sinh trưởng của cây, cây chè cũng không ngoại lệ. Nhưng lượng canxi mà cây chè yêu cầu không nhiều, vì vậy luợng canxi có trong đất cũng không cần nhiều lắm, quá nhiều thì sẽ lại phản tác dụng, mà nói chung đất axít chứa lượng canxi vừa vặn thích hợp yêu cầu này, cho nên nó đặc biệt thích hợp với cây chè.
Ngoài ra, bộ rễ của cây chè có những chỗ phình to, chúng ta gọi nó là “rễ khuẩn”. Rễ khuẩn cũng giống như những nốt rễ của thực vật họ đậu, bên trong có vi sinh vật nấm rễ khuẩn. Mối quan hệ giữa nấm rễ khuẩn và rễ khuẩn là mối quan hệ cộng sinh hai bên cùng dựa vào nhau, cùng có lợi. Nấm rễ khuẩn hấp thụ nước và chất dinh dưỡng trong đất, ngoài đáp ứng nhu cầu của chính bản thân nó ra, còn truyền lượng còn lại đến cho cây chè, vì thế cải thiện lớn điều kiện nước và điều kiện dinh dưỡng cho cây chè. Nhưng nấm rễ khuẩn tự mình không thể tạo ra hợp chất cacbon oxit, mà hầu hết các hợp chất cacbon oxit mà nó cần đều dựa vào cây chè cung cấp. Do cây chè và nấm rễ khuẩn có mối quan hệ cộng sinh như vậy, cho nên muốn cây chè sinh trưởng tốt, còn phải làm cho nấm rễ khuẩn cũng sinh trưởng tốt, mà môi trường thích hợp cho sinh trưởng của loại nấm rễ khuẩn chính là điều kiện đất axit. Như vậy, đất axit sẽ cung cấp điều kiện sinh trưởng thuận lợi cho cây chè, lại tạo ra môi trường cộng sinh lí tưởng cho nấm rễ khuẩn của sự cộng sinh đó, chả trách nó đặc biệt thích ứng với sinh trưởng của cây chè.