Tại sao cây xương rồng lại có nhiều thịt và gai?
Tổ tiên của loài cây xương rồng là ở Nam Mỹ và Mêhicô, chúng sống ở môi trường cực kì khắc nghiệt, khô hạn, thiếu nước, thiếu mưa, đầy cát, khí hậu nóng lạnh thất thường, hàng nghìn hàng vạn năm qua đi chúng vẫn đứng vững giữa sa mạc, nhưng hình dáng đã biến đổi: không còn lá thân mập, nhiều thịt, nhiều nhựa, nhiều gai…
Sự biến đổi này có lợi đối với cây xương rồng. Mọi người đều biết cây cần uống rất nhiều nước, phần lớn lượng nước này sẽ bị tiêu hao do bay hơi qua lá. Nếu cây hấp thụ 100 g nước thì 99 g bay hơi qua lá, chỉ còn 1 g được giữ lại trong thân. Trong môi trường khô, lượng nước không dễ dàng hấp thụ được, vậy từ đâu có thể cung cấp lượng nước lớn như vậy giúp cây phát triển đây? Để đối phó với sự khô hạn, lá cây xương rồng bà đã thoái hóa, thậm chí biến thành dạng kim hoặc gai nhọn, điều đó sẽ giúp cho cây giảm sự bay hơi nước. Vậy khả năng tiết kiệm nước trong cây xương rồng bà là bao nhiêu?
Có người đem trồng một cây táo cao ngang bằng cây xương rồng cùng một chỗ sau khi quan sát, theo dõi lượng nước tiêu hao trong một ngày của chúng vào mùa hè thì thấy cây táo sẽ tiêu hao 10 đến 10.000 g nước, còn cây xương rồng bà chỉ có 20 g, hơn kém nhau hàng nghìn lần. Đây không phải là sự “keo kiệt” của cây xương rồng mà là nhu cầu sinh tồn của nó. Nếu đem một cây táo xum xuê trồng trên sa mạc thì nhất định nó sẽ không thể sống nổi.
Gai của cây xương rồng cũng có nhiều loại, có loại biến thành những lông trắng phủ kín thân, nó có thể hút nước. Có nhiều cây cao hơn10 m, thân giống như vại chứa nước to, có thể dùng dao chặt nó ra là uống được “nguồn nước tự nhiên” có trong sa mạc khô cằn. Cây xương rồng bà là một trong những đại biểu chứng minh sự thích ứng với điều kiện môi trường sống.