Tại sao chồn sóc lại có thể ăn được nhím?

Nhím là loài động vật cỡ nhỏ, chuyên ăn côn trùng, đặc điểm lớn nhất của nó là khắp thân mọc đầy gai nhọn. Khi nhím gặp động vật ăn thịt tương đối lớn thì lập tức rụt đầu co chân, cuộn tròn mình vào bụng, tạo thành một quả cầu gai vũ trang, khiến cho các động vật ăn thịt “nhìn biển cả mà than mình bé nhỏ” cụt hứng bỏ đi. Nhưng chỉ có chồn sóc là một ngoại lệ.

Chồn sóc là loài thú nhỏ chuyên ăn thịt. Hằng ngày vào buổi tối chúng ra ngoài kiếm mồi, và chuột là món ăn ưa thích của chúng. Nhưng nhím béo, nhiều mỡ, cũng là món ăn ngon không dễ gì chồn sóc chịu bỏ qua.

Nhưng trên mình nhím có gai chân cứng như kim sắt, chồn sóc làm thế nào để bắt chúng được?

Hoá ra, trong hậu môn của chồn sóc có một tuyến hôi, bất cứ lúc nào cũng có thể tiết ra một lượng lớn dịch thối. Uy lực của loại dịch thối này của chồn sóc rất mạnh, là một loại vũ khí để đối phó với kẻ địch. Một khi bị kẻ địch truy đuổi, khi mồm của kẻ địch đến gần mông của nó, chồn sóc lập tức phun ra một luồng dịch thối. Như chó có thân hình lớn như vậy, thế mà chỉ một cái “rắm” có thể ngăn chặn được chó tiến lên và truy đuổi, do đó cái “rắm” của chồn sóc còn được gọi là “rắm cứu mạng”. Nhím khi gặp sự tấn công của chồn sóc thì sẽ thu mình lại thành hình cầu. Chồn sóc sẽ tìm một chút khe hở của khối cầu gai đó, đặt “đít” vào đó và phun dịch thối. Chẳng bao lâu, con nhím sẽ bị dịch thối làm cho mê man, nhím sau khi mê man, thân thể sẽ duỗi thẳng lại. Lúc này, chồn sóc sẽ lập tức cắn chết nhím, ung dung ăn thịt nó.