Tại sao đá cuội dưới sông lại ở trên đỉnh núi?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Những ai từng lên vùng núi, sẽ thấy trên sông phủ một lớp đá cục, giống như “dòng sông đá”. Nhìn thật kỹ, đá cục không có góc cạnh, mặt tương đối bóng. Chúng ta theo sông đi xuống, đá cục nhỏ dần, mặt đá càng bóng, rất nhiều đá cục có hình bầu dục hoặc gần như hình tròn.

Khi chúng ta ra khỏi cửa núi, đá sông càng nhỏ, các cục đá gần bằng nhau, đều bóng nhẵn, tròn trịa, giống như trứng ngỗng, được gọi là đá cuội sông. Tại sao đá ở thượng lưu to, đá ở hạ lưu nhỏ? Mặt đá tại sao lại bóng nhẵn?

Khả năng vận chuyển đá của dòng sông ở thượng lưu lớn. Hạ lưu nhỏ, cho nên khối đá lớn ở trên, khối đá nhỏ được chuyển xuống dưới; trong quá trình chuyển vận đá, nước làm cho đá va đập vào nhau, các cạnh đá bị mài tà; khoảng cách dòng nước chuyển vận đá càng dài, đá càng va chạm nhiều nên càng bóng và đá càng nhỏ dần. Đá cuội dưới lòng sông tại sao lại chạy lên đỉnh núi?

Dòng sông vốn là ở chỗ thấp, do vỏ trái đất dần dần trồi lên, sau khi trải qua thời gian dài, dòng sông ngày càng được nâng lên cao, sau cùng thì nâng lên đến chỗ cao nhất hình thành ngọn núi. Bởi sông nâng lên đỉnh núi, đá cuội sông cũng bị mang lên đỉnh núi.

Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu đá cuội trên sông, có thể tìm ra nhiều bí mật của thế giới tự nhiên. Thí dụ, căn cứ vào tính chất nham thạch của đá cuội sông, thông qua phương pháp so sánh, có thể xác định đá cuội từ đâu chuyển đến. Căn cứ vào độ to nhỏ và sự mài mòn của đá cuội, có thể trình bày rõ vị trí đoạn sông mà dòng sông tồn tại lúc bấy giờ. Căn cứ vào sự hợp thành đá cuội sông to nhỏ, có thể phán đoán lũ quét bấy giờ to hay nhỏ; nói chung khi lũ quét rất lớn, đá tảng to nhỏ không đều nhau, khi lũ quét tương đối nhỏ, đá to nhỏ tương đối đều nhau. Căn cứ vào lũ quét lớn hay nhỏ và số lần xảy ra nhiều ít, có thể suy ra được lúc bấy giờ khí hậu ẩm ướt hay khô cằn.