Tại sao dấm có tác dụng “bảo vệ sức khỏe” cho cây trồng?
Cây trồng trong quá trình sinh trưởng không chỉ cần các điều kiện cơ bản không khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ… mà còn cần bón phân khi thích hợp cho cây, để thúc đẩy cây sinh trưởng khỏe mạnh. Dấm là một loại gia vị, không liên quan gì tới sự sinh trưởng của thực vật, nhưng có người đã dùng dấm tưới lên cây trồng và thu được hiệu quả bất ngờ. Ví dụ với dung dịch dấm 200 x 10-6 phun lên lá cây dưa hấu, cây lớn quả vừa nhiều vừa to, hơn nữa độ ngọt cũng tăng. Trong thời kì lúa trổ bông dùng dung dịch dấm 150 x 10-6 phun lên mặt lá của cây lúa nước, tỉ lệ kết hạt của cây sẽ tăng, trọng lượng nghìn hạt tăng; còn đối với những loại cây cảnh tưới dung dịch dấm vào, có thể cải thiện hoa, tăng nhiều hoa và sắc hoa càng thêm rực rỡ.
Tại sao dấm lại có thể thúc đẩy sự sinh trưởng của cây? Điều này đề cập tới sự hô hấp của thực vật. Thực vật giống như động vật, mỗi giờ mỗi phút đều phải thở. Điểm khác biệt là động vật có cơ quan hô hấp chuyên môn như lỗ mũi, khí quản, phổi… và tạo thành bộ máy hô hấp hoàn chỉnh; còn thực vật không có hệ thống hô hấp chuyên môn, mỗi một tế bào sống đều có thể độc lập tiến hành hô hấp. Tác dụng hô hấp của thực vật chủ yếu được thực hiện trong tuyến lạp thể ở bên trong tế bào. Trong tuyến lạp thể này có một dãy chất xúc tác, nhờ sự tham gia của chúng, cùng hoàn thành quá trình hô hấp.
Tác dụng hô hấp của thực vật rất quan trọng đối với sự sinh trưởng của thực vật. Dưới sự thúc đẩy của chất xúc tác, lần lượt oxi hóa các chất hữu cơ được tích lũy nhờ tác dụng quang hợp để phân giải thành những chất đơn giản (tức cacbon đioxit và nước), đồng thời giải phóng năng lượng, cung cấp cho cây tiến hành các hoạt động sống khác. Ví dụ sự hô hấp và vận chuyển nước, phân bón của rễ; sự hợp thành và phân giải các chất trong cơ thể; sự điều hòa đóng mở của các lỗ khí trên phiến lá của thực vật, sinh trưởng, ra hoa, thụ tinh, kết quả… đều nhờ tác dụng hô hấp không ngừng cung cấp năng lượng. Nhưng bất kì việc gì đều có độ nhất định, tác dụng hô hấp quá dồi dào sẽ tiêu hao quá nhiều chất hữu cơ, chất được tạo ra do sự quang hợp tích lũy được sẽ giảm đi, như vậy lại bất lợi cho sự sinh trưởng và kết quả của thực vật. Theo các nhà sinh lí học thực vật: nếu tác dụng hô hấp bị ức chế ở mức 20% – 30%, thì hiệu suất tác dụng quang hợp có thể tăng 10% – 20%. Còn khi tưới dung dịch dấm, có thể khống chế một cách thích hợp hoạt tính sinh vật của acid glcolic, oxidase trong quá trình hô hấp tế bào thực vật. Do sự tiêu hao các chất của cơ thể thực vật bị ngăn cản, mà tác dụng quang hợp vẫn tiến hành bình thường, như vậy sự tích lũy chất hữu cơ trong cơ thể thực vật tăng, cho nên sức lớn của thực vật cũng tốt hơn, sản lượng cũng tăng hơn.