Tại sao giống “cá trê” lại có râu?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Nếu cá trê biết nói, nó sẽ phủ nhận: “Sao lại gọi mấy sợi tua quanh mép tôi là râu? Nó có phải râu ria gì đâu mà gọi ẩu!” Cá trê có lý chỉ vì ta “trông mặt đặt tên”, thấy mấy sợi tua quanh miệng cá trê – giống như mấy sợi râu – thế là ta gọi là “râu”, chớ thực ra đó chỉ là mấy cái giác tu giúp cho cá trê nhận ra những sự vật quanh nó.
Có nhiều điểm khác nữa ngoài bộ râu khiến cho giống cá rất đặc biệt: nó cũng biết kêu “gừ gừ”, “rù rù” như mèo chẳng hạn. Mấy chú nhỏ quen biết với “cá trê” vì chúng có thể bị mấy chú nhỏ bắt dễ dàng. Bởi “cá trê” tham ăn thấy cái gì cũng đớp, đớp từ sợi dây câu cho đến con giun đất móc ở lưỡi câu. Một lý do khác khiến “cá trê” rất dễ bị bắt – và đây là nguyên nhân cao quý – là cá trê hết sức tận tụy trong việc chăm sóc bầy con và bảo vệ cái tổ của nó. Xung quanh tổ, lúc nào cũng có nhiều cá trê lởn vởn bên cạnh để canh chừng, bảo vệ.
Cho đến nay người ta phát hiện ra là trong họ nhà “cá trê” có tới khoảng 2000 thứ khác nhau. Cá trê châu Âu có kích cỡ dài hơn 3m và nặng tới ngót 200kg! Có thứ cá trê trên sông Mississippi và đại Hồ nặng khoảng 60 kg! Cá trê mà ta thường thấy là “cá trê bùn”, “cá trê vàng” và “cá trê tiểu vương”. Giống “cá trê tiểu vương” thường sống trong những sông lớn ở miền Tây và miền Nam Hoa Kỳ. Thịt giống cá trê phần đông là ngon, nhất là giống “cá trê trắng” thường sống ở vịnh Chesapeak và sông Potomac. “Cá trê xanh” sống trong các dòng nước ở miền Nam Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có “cá trê ngu”, “cá trê sừng”…