Tại sao kiến trúc cổ của Trung Quốc thường có mái hiên vểnh ngược lên?

Trung Quốc cổ đại có nhiều kiến trúc cổ nổi tiếng rường vẽ hoa, xà chạm trổ, màu sắc rực rỡ, nhất là những mái nhà lớn đẹp lạ thường, nóc nhà hơi vểnh lên ở bốn góc, ngói lưu ly nhiều màu sắc lấp lánh dưới ánh sáng Mặt Trời, thật là đẹp biết bao!

Tuy nhiên những mái hiên vểnh ngược lên đó phải chăng chỉ là để trang trí cho đẹp? Vững chắc, kinh tế và thích dụng là yêu cầu cơ bản nhất khi xây dựng. Tổ tiên chúng ta trong thực tiễn xây dựng nhà phần lớn dùng gỗ làm cột và dầm xà, tạo nên kết cấu giá khung có thể chịu trọng lượng của mái nhà và các tầng trên, nó có những ưu điểm như bố trí ở bên trong linh hoạt, vị trí gián cách không bị gò bó, có thể tuỳ ý mở thêm cửa sổ. Loại kiến trúc này ngay từ hơn 3000 năm trước đã được tổ tiên chúng ta nắm vững thành thạo.

Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của kiến trúc giá khung gỗ là gỗ dễ bị mục. Người xưa đã nghĩ ra một cách xây một lớp tường vách tương đối dày để bao che phía ngoài cột gỗ, vừa có thể ngăn được gió mưa giá lạnh, khiến cho sức nóng của Mặt Trời không xâm nhập vào trong nhà, lại khiến cho dầm cột không bị gió thổi làm nghiêng lệch, ảnh hưởng đến độ an toàn của cả ngôi nhà. Tuy nhiên, mặt ngoài của tường gạch mộc làm bằng đất sét vẫn không chịu nổi tác động của mưa gió, thời gian, thế là người ta lại làm mái nhà vươn ra ngoài để bảo vệ tốt hơn tường vách chung quanh. Đi đôi với quy mô của nhà càng ngày càng lớn, thân tường càng ngày càng cao, mái hiên vươn ra ngoài càng dài. Mái hiên vừa rộng vừa dài, tuy rằng bảo vệ được thân tường, nhưng cũng cản trở ánh sáng chiếu vào nhà. Ngoài ra, để tiện thoát nước mưa ở trên mái, thì mái phải làm thật dốc. Nhưng mái dốc sẽ làm mưa ào ào chảy xuống sẽ bắn tung toé lên rất cao, như vậy sẽ không lợi cho tường và móng cột.

Để giải quyết các vấn đề đó, người xưa đã thiết kế ra kiểu mái nhà rất lý tưởng. Bên trên có độ dốc lớn, bên dưới tương đối bằng phẳng, còn ở giữa thì hơi trũng xuống. Kiểu mái nhà vượt ra ngoài và cong ngược lên, không những lấy ánh sáng tốt, mà cũng làm giảm hiện tượng nước trút xuống, bảo vệ nền nhà.

Nếu dùng phương thức cho nước chảy ở bốn mặt, thì tất nhiên bốn góc của nó phải uốn cong lên, kết quả mái nhà có mái hiên vểnh ngược lên, do đó đã trở thành một kiểu kiến trúc mang đặc trưng Trung Quốc.

Từ khóa: Kiến trúc cổ; Mái hiên vểnh.