Tại sao lại có các lãnh chúa?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 9 – Arkady Leokum

Năm 476 sau Công nguyên, sau khi La Mã bị bại, Đế quốc La Mã bị phân chia manh mún, trên những mảnh đất manh mún này người ta bèn xây thành trì, và rồi cứ tiếp tục không ngừng xây cho đến khoảng năm 1400. Nhưng vì sao người ta muốn xây thành trì? Và sau này vì sao ngưng không xây nữa?

Bất cứ quốc vương nào, khi chinh phục được một vùng đất mới, đều đem vùng đất mà họ chinh phục được đó chia thành từng mảnh nhỏ để ban cấp cho những người cùng theo ông đi chinh chiến, ban cấp cho những tướng quân chiến thắng để gọi là báo đáp; thù lao này thay thế cho vàng bạc. Những tướng quân đó lại đem đất mà họ được chia, chia thành từng phần nhỏ để thưởng cho các thủ hạ, những dũng sĩ theo họ đánh trận. Những người được ban cho đất này gọi là lãnh chúa (Lord) hoặc là quí tộc (Noble). Cho nên, quốc vương là chủ nhân, các tướng quân là người phụ thuộc. Còn tướng quân và bộ hạ thì sao? Tướng quân lại trở thành chủ nhân, các bộ hạ của ông ta lại trở thành người phụ thuộc ông ta. Nói chung, dù là người phụ thuộc quốc vương hay phụ thuộc tướng quân, những người phụ thuộc đều phải tuyệt đối trung thành với chủ nhân. Bởi người phụ thuộc bắt buộc phải quỳ trước mặt chủ nhân, đem hai bàn tay mình đặt trong tay chủ nhân, trang nghiêm tuyên thệ trung thành, hứa với chủ nhân, chỉ cần chủ nhân lên tiếng gọi, họ sẽ vì chủ nhân ra sức. Ấy gọi là “lễ tiết nhậm chức xưng thần”. Từ đó, hằng năm, người phụ thuộc phải đến triều bái chủ nhân một lần, và cũng như lần đầu, người phụ thuộc hướng về chủ nhân xưng thần, tuyên thệ trung thành. Thứ biện pháp phong chia đất đai này gọi là “chế độ phong kiến”.

Bấy giờ, những lãnh chúa hoặc quí tộc này, mỗi người đều xây dựng một tòa thành cho riêng mình trên phần đất được chia. Các lãnh chúa hoặc quí tộc ở trong thành như một tiểu hoàng đế. Tòa thành được xem như nhà của lãnh chúa, nếu như có lãnh chúa khác muốn tới đánh chiếm thành thì thành lũy của ông sẽ trở thành một nơi bảo vệ ông không bị xâm lược của lãnh chúa khác. Cho nên tòa thành thường được xây trên một hòn núi nhỏ hoặc trên một ngọn đồi có địa thế hiểm yếu. Nếu như quân địch muốn đánh chiếm thì cũng không phải là chuyện dễ. Các lãnh chúa còn cho đào xung quanh tòa thành một con hào sâu ngập nước, cho nên quân địch càng không dễ tấn công vô thành được.

Trong thời bình, người nông dân ra ngoài thành canh tác ruộng đất; gặp khi các lãnh chúa đánh nhau thì họ mang thức ăn, gia súc, tài sản của mình dời vô thành ở. Nếu chiến tranh kéo dài, họ ở luôn trong thành những mấy tháng, thậm chí cả mấy năm. Cho nên, một tòa thành cần phải hết sức rộng lớn mới có thể chứa hết người và gia súc để họ có thể ở trong đó lâu dài.

Trong thành, những căn nhà thường ngăn làm nhiều phòng nhỏ để người và gia súc ở, cả đến việc nấu nướng và dự trữ thức ăn. Trong đó còn có giáo đường hoặc một nhà nguyện. Lãnh chúa ở riêng trong một ngôi nhà lớn nhất trong thành.

Trong nhà của lãnh chúa có một gian phòng rất rộng gọi là đại sảnh. Đại sảnh như là một gian nhà ở, kiêm phòng ăn hết sức lớn. Bên trong sảnh chỉ là mấy mảnh ván gỗ vừa dài vừa rộng kê trên những vật vừa đủ khổ ván mà thôi. Thức ăn được dọn trên những chiếc bàn này. Ăn xong, người ta lại hạ ván xuống xếp vào một góc. Bấy giờ chưa có muỗng nĩa, chưa có mâm, chưa có tách trà, cũng chưa có khăn trải bàn. Người ta ăn bằng cách dùng tay bốc lấy đồ ăn, sau khi ăn xong thì liếm mấy đầu ngón tay cho sạch, và bôi chùi vào quần áo. Khi ăn cơm, lũ chó có thể ở trong đại sảnh. Những khúc xương và thức ăn dư thừa họ quăng xuống đất để cho chó ăn. Ăn cơm xong, kẻ nô bộc bưng ra một chậu nước lớn và một cái khăn, ai muốn rửa tay thì rửa trong chậu đó.

Ăn xong cơm tối, mọi người nghe thi nhân hát rong ca xướng, nói chuyện đời xưa thâu đêm. Loại thi nhân hát rong này chuyên môn đánh đàn ca hát để giải khuây cho người khác.

Lãnh chúa và mọi người trong thành thường không sợ sự xâm nhập của kẻ địch. Thứ nhất, nếu kẻ địch tới, trước hết phải vượt qua con hào bảo vệ vây xung quanh thành. Ở chỗ cổng lớn thông vào thành hoặc trên hào thành bảo vệ của cổng có một cầu treo, cầu này có thể kéo lên bất cứ lúc nào. Muốn vô tới bên trong lại phải qua một cánh cửa sắt lớn nữa gọi là cửa treo giống như một cánh cửa sổ kéo lên để người ra vào. Khi có chiến tranh thì cầu treo được kéo lên. Nếu như quân địch đã đến mà không kịp kéo cầu treo lên, thì còn cửa treo có thể hạ xuống bất cứ lúc nào. Nếu như cầu treo đã được kéo lên, ngoại trừ cách vượt qua hào thành bảo vệ ngập đầy nước thì không còn cách nào khác hơn có thể tiến vô thành được. Nếu như kẻ địch muốn công thành thì trên tường thành sẽ có người lăn đá hoặc đổ dầu xuống. Bờ tường thành không có cửa sổ, chỉ có những rãnh xẻ nhỏ, các chiến sĩ có thể từ rãnh xẻ đó mà nhắm bắn kẻ địch, đồng thời, người ở bên ngoài lại rất khó dùng tên bắn vào các rãnh xẻ nhỏ này.

Nhưng, vẫn có người công đánh thành được. Muốn đánh vô thành, họ phải chế tạo ra một tháp gỗ rất cao, dưới tháp có bánh xe. Họ đẩy tháp gỗ gần đến tường thành, sau đó từ đỉnh tháp, họ bắn tên vào thành. Có lúc, họ từ bên ngoài đào một địa đạo xuyên qua hào thành bảo vệ, xuyên qua dưới chân tường thành, thẳng vào trong thành. Có lúc, họ chế tạo một thứ cỗ máy thật lớn gọi là “phá thành chùy”. Họ dùng thứ chùy phá thành này để phá đổ tường thành. Có lúc, họ dùng một cỗ máy y như máy bắn đá mà nã những hòn đá to vào đầu tường thành. Dĩ nhiên, thời đó làm gì có đại pháo, súng và thuốc nổ.

Lãnh chúa và người nhà của lãnh chúa ngày ngày ra vào gặp mặt chào hỏi xã giao, còn những người khác thì bị đối xử không hơn nô lệ bao nhiêu. Trong thời kỳ hòa bình, hơn phân nửa người dân thường ở ngoài tường thành. Những đất đai mà họ ở này gọi là trang viên. Trang viên mà bọn lãnh chúa cấp cho họ càng ít càng tốt, nhưng những vật mà chúng thu lấy thì lại càng nhiều càng hay. Lãnh chúa đối xử với dân của mình rất tàn ác. Người dân bị lãnh chúa bóc lột thậm tệ. Họ ở trong một mái nhà tranh tồi tàn chỉ có một gian, nền nhà chỉ bằng đất không ván lót, thật chẳng khác gì một chuồng trâu. giường của họ có thể là một cái gác nhỏ, phải dùng thang bò lên. Chỗ họ nằm bất quá chỉ là một ổ rơm, khi họ ngủ vẫn cứ mặc áo quần ban ngày đi làm việc mà ngủ.

Họ chính là những nông nô. Có khi, một nông nô không kham nổi cuộc sống thế này, anh ta sẽ trốn đi. Nếu như trong vòng một năm lẻ một ngày anh ta không bị người của lãnh chúa tìm được, thì anh ta sẽ trở thành người tự do. Nhưng nếu như anh trốn đi chưa đủ một năm lẻ một ngày mà đã bị bắt lại thì lãnh chúa sẽ đánh đập anh một cách tàn nhẫn, rồi dùng sắt nung nóng đóng dấu anh, thậm chí chặt cả hai bàn tay của anh. Đối với nông nô, lãnh chúa muốn làm gì thì làm, vì thế nông nô rất căm ghét bọn lãnh chúa bóc lột.