Tại sao máu của ta lại đỏ?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Máu lưu chuyển trong các huyết mạch (tĩnh và động mạch) trong cơ thể ta có chứa nhiều chất và tế bào. Mỗi thành phần cấu tạo nên máu đều có chức năng riêng biệt và quan trọng.
Trước hết phải kể đến thành phần chất lỏng của máu mà ta gọi là huyết tương (plasma) chiếm hơn phân nửa (khoảng 55%) lượng máu. đó là chất màu vàng lợt, hơi nặng hơn nước vì chứa nhiều chất hòa tan. Những chất hòa tan ấy là gì? đó là các chất protein, các kháng thể (antibodies) để chống lại bệnh tật, huyết tơ hay là sợi sinh huyết (fibrinogen) cần thiết cho sự đông huyết, carbohydrate, chất béo, muối khoáng, v.v… và thêm vào đó là các tế bào máu.
Chính hồng huyết cầu làm cho máu có màu đỏ. Hồng huyết cầu dạng tròn, dẹp, lõm vào giữa. Trong cơ thể ta luôn luôn lúc nào cũng có khoảng 35 tỉ tỉ “cái đĩa” màu đỏ ấy theo các mạch máu lưu chuyển khắp mọi ngõ ngách toàn thân ta. Tế bào máu màu đỏ này phát sinh và trưởng thành trong tủy xương, nó mất nhân đi và càng lúc càng thêm cầu tố (hemoglobin) tức là sắc tố màu đỏ. Trong hồng huyết cầu có chứa chất sắt kết hợp với protein.
Khi đi vào phổi, khí oxy kết hợp với huyết cầu tố của tế bào màu đỏ. Tế bào đỏ chở oxy qua các động mạch và mao mạch tới tất cả các tế bào của cơ thể để cho các tế bào này “thở”. Khí carbon dioxide (tức là thán khí) từ các tế bào cơ thể lại được tế bào máu chở về phổi thông qua các tĩnh mạch. Nghĩa là khi “đi” tế bào máu chở khí oxy; khi “về”, tế bào máu “chở” khí carbon dioxide. Khí này thải ra ở phổi và sau đó được tống ra khỏi cơ thể trong động tác thở ra của ta. đời sống của một tế bào máu chỉ kéo dài khoảng bốn tháng, sau đó nó bị “bể” ra, phần lớn là ở lách. Những tế bào huyết mới lại được sinh ra để thay thế. Bên cạnh tế bào hồng huyết cầu còn có nhiều loại tế bào khác nữa như bạch huyết cầu chẳng hạn.