Tại sao máy kéo lại có bánh trước nhỏ bánh sau to

Nói chung ô tô đều có bốn bánh bằng nhau. Máy kéo cũng có bốn bánh, nhưng thật kì lạ là hai bánh sau to, hai bánh trước nhỏ. Tại sao thế?

Lý do là, bánh trước của máy kéo chủ yếu dùng để dẫn hướng, cho nên gọi là bánh dẫn hướng, nếu chế tạo bánh trước vừa to vừa cao, thì khi người lái cho máy chuyển hướng, quay vòng, để khắc phục lực cản của bánh xe sẽ phải hao tốn rất nhiều sức lực, hơn nữa điều khiển cũng không linh hoạt. Máy kéo thường làm việc trên đồng ruộng, mà chất đất ở đồng ruộng thì mềm xốp và lại mấp mô, gập ghềnh, nếu bánh trước vừa cao vừa to, thì lực cản của mặt đất đối với nó sẽ lớn, như vậy, máy kéo sẽ hao phí rất nhiều động lực một cách vô ích.

Bánh sau của máy kéo là bánh dẫn động. Tức là động lực của động cơ trực tiếp truyền cho bánh sau, trọng lượng đặt lên của nó cũng lớn hơn bánh trước. Khi máy kéo làm việc ở đồng ruộng, còn luôn luôn kéo theo máy nông nghiệp như máy gieo hạt, máy cấy, máy cày, v.v. Các loại máy chế tạo bằng sắt thép này khi mắc vào máy kéo, một phần trọng lượng của chúng sẽ chuyển dịch sang máy kéo. Bản thân máy kéo rất nặng, bây giờ lại thêm gánh nặng nữa, trọng tâm toàn máy sẽ rơi vào bánh sau của máy kéo. Trong trường hợp đó, nếu bánh sau cũng to bằng bánh trước, thì bánh sau chịu trọng lượng lớn hơn bánh trước nhiều, nó sẽ bị lún sâu vào giữa đám ruộng.

Bánh sau làm to hơn, thì diện tiếp xúc với mặt đất sẽ lớn, khiến cho trọng lượng tác dụng lên một đơn vị diện tích sẽ nhỏ đi, như vậy trọng lượng bình quân đặt lên bánh xe trước và bánh xe sau của máy kéo mới không chênh lệch nhau quá lớn. Đương nhiên, khi bánh sau đó to hơn, thì lực cản của nó phải chịu cũng tăng lên, tuy nhiên, đó là do yêu cầu về “trách nhiệm” mà nó phải gánh chịu.

Ngoài ra, so với những ô tô cùng công suất, tốc độ của máy kéo không đòi hỏi phải cao, thay vào đó là cần lấy lực kéo lớn. Do đó, cùng một vật nặng như nhau, ô tô không kéo được, nhưng máy kéo cùng công suất lại kéo được.

Từ khóa: Máy kéo; Bánh định hướng; Bánh kéo; Lực kéo