Tại sao mỗi ngày có hai đợt thủy triều lên?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum

Mỗi ngày cũng có hai đợt thủy triều xuống (nói cho chính xác thì là 24 giờ 50 phút, kết quả của việc mặt trăng đã di chuyển một chút trên quỹ đạo của nó). Một suy nghĩ dường như hợp lý rằng mỗi ngày chỉ có một đợt thủy triều, khi phần trái đất của chúng ta xoay tròn để đối diện với mặt trăng và do đó chịu tác động hoàn toàn bởi lực hấp dẫn của nó. Điều này đã bỏ qua một sự thật là lực hấp dẫn không chỉ đơn giản tóm lấy bất cứ thứ gì gần nhất: nó tác động tới mọi thứ, bao gồm cả các đại dương ở mặt bên kia của trái đất, cho dù chỉ ở một mức độ rất nhỏ. Nó cũng đã bỏ qua một hiệu ứng tinh vi do sự kề cận của mặt trăng, hiệu ứng làm cho trái đất và mặt trăng xoay quanh nhau, tạo ra một lực ly tâm ở mặt bên kia của trái đất. Chính sự kết hợp của hai hiệu ứng này đã dẫn tới sự hình thành của hai chỗ phình của đại dương. Thứ nhất, có một chỗ phình dễ hiểu ở mặt gần mặt trăng nhất của trái đất; kế đó là chỗ phình thứ hai ở mặt bên kia, hình thành bởi hiệu ứng ly tâm và bởi tác động nhỏ của trọng trường mặt trăng. Khi trái đất xoay, chúng ta sẽ gặp cả hai chỗ phình, thứ mà ta thường gọi là thủy triều lên. Giống như bất cứ thứ gì khác trong hệ trái đất-mặt trăng, những chi tiết cần thiết cho việc dự đoán thủy triều chính xác thì phức tạp hơn nhiều (Isaac Newton đã than phiền rằng vấn đề đó chính là điều duy nhất đã làm cho ông mắc bệnh đau đầu). Ngoài ra còn có vai trò của mặt trời làm tăng sức kéo của mặt trăng trong những lúc trăng tròn, tạo thành cơn thủy triều lớn. Không chỉ có biển cả là bị tác động: hai lần một ngày, bề mặt trái đất cũng dâng lên hạ xuống khoảng một thước ở đường xích đạo.