Tại sao Nam Cực lại không có gấu Bắc Cực?
Gấu Bắc Cực còn gọi là “gấu trắng”, thân dài khoảng 2,7 m, chiều cao tính đến vai khoảng 1,3 m, thể trọng 750 kg, kích thước chỉ xếp sau gấu nâu Alaska, là động vật ăn thịt sống trên cạn đứng thứ 2 trên thế giới. Do nó to lớn, hung dữ, nên có biệt danh là “ác bá vùng băng tuyết”, trừ loài người ra chúng không có đối thủ.
Điều khó hiểu là, tại sao gấu Bắc Cực chỉ phân bố ở vùng Bắc Cực, mà ở Châu Nam Cực cũng băng tuyết trắng trời như vậy lại không thể tìm thấy gấu Bắc Cực nhỉ? Theo khảo sát một thời gian dài của các nhà khoa học ở Nam Cực và cả những nghiên cứu về nguồn gốc của loài gấu, đã phát hiện ra rằng, điều này có liên quan đến sự thay đổi về lịch sử địa chất và sự xuất hiện khá muộn của loài gấu.
Khoảng 200 triệu năm trước, Châu Nam Cực và Châu Nam Mĩ, Châu Phi, ấn Độ, Australia ngày nay nối liền với nhau, tạo thành một lục địa thống nhất, gọi là “lục địa cổ phía Nam”. Sau này, do sự vận động của vỏ Trái Đất và sự mở rộng không ngừng của hải dương, lục địa cổ này bắt đầu có sự chia cắt. Nam Cực dần dần có sự tách rời với tất cả các lục địa khác của Nam bán cầu, và ngày càng trượt xa dần, tạo thành mỗi bên chiếm một phía khác nhau. Đến cách đây khoảng 66 triệu năm, Nam Cực mới ổn định tại vị trí như ngày nay, trở thành một “lục địa thứ 7” độc lập trên Trái Đất.
Từ góc độ tiến hoá của động vật cho thấy, loài gấu xuất hiện khá muộn, nguồn gốc của chúng chỉ có thể ngược dòng về 22 triệu năm trước, điều này giải thích Nam Cực sở dĩ không có gấu Bắc Cực là vì ngay trước khi loài gấu xuất hiện thì Nam Cực đã là một lục địa băng tuyết được đại dương bao bọc. Chính đại dương mênh mông đã cắt đứt con đường sống của gấu Bắc Cực, làm cho loài động vật to lớn này không thể nào đi đến được Nam Cực.