Tại sao ngôn từ có những nghĩa nhất định?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 9 – Arkady Leokum
Thật sự, ngôn từ là những “qui ước” hay biểu tượng thay thế cho một cái gì đó. Chúng có được từ những âm thanh do con người tạo ra. Khi hai người hay nhiều người quyết định rằng một âm thanh hay một nhóm âm thanh nào đó sẽ mang một ý nghĩa mà họ cùng hiểu, họ đã có chung một tiếng nói.
Vì vậy, ngôn từ có nghĩa nhất định chỉ bởi vì một số đông người quyết định rằng những từ ấy phải có nghĩa như thế.
Khi những âm thanh D, O và g được xếp lại và cho ra từ dog, những người nói tiếng Anh đồng ý với nhau rằng từ “dog” thay thế cho một con vật đặc biệt. Nếu một người Anh nói dog, người Anh khác tự động thấy ngay hình ảnh một con chó.
Còn người Nga thì sao? Từ “dog” chẳng có ý nghĩa gì đối với họ cả. Họ dùng từ “sobaka” để chỉ con chó. Trong khi người Ý dùng từ “cane” khi muốn nói đến con cầy.
Ngay cả luật dùng từ cũng không giống nhau ở mỗi ngôn ngữ. Tất cả đều tùy thuộc vào điều mà người ta đã đồng ý về ngôn ngữ ấy. Trong Anh ngữ, nếu bạn muốn nói đến nhiều con chó, bạn phải thêm “s” ngay sau dog (dogs). Tiếng Ý thì đổi chữ cuối của “cane” thành “i” (cani).
Người ta học cách dùng và hiểu nghĩa ngôn từ của một ngôn ngữ nào đó ngay từ khi còn nhỏ. Lúc ấy, bạn đã biết bắt chước những âm thanh do cha mẹ và người chung quanh nói. Bạn liên kết những âm thanh ấy với những sự vật, những hành động và những ý nghĩ rõ ràng. Bạn học cách sắp xếp các từ lại với nhau theo một cách nào đó và thay đổi vị trí của chúng khi cần thay đổi ý nghĩa. Đó là bạn đã học một ngôn ngữ.