Tại sao người ta lại ví huyết quản trong cơ thể người là con sông vạn dặm?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 8 – Arkady Leokum

Hai con sông dài, lớn của Việt Nam là sông Hồng và Cửu Long, vậy mà chúng không bì nổi với “con sông” vận chuyển máu trong cơ thể chúng ta. Con sông trong cơ thể ta – tổng chiều dài của huyết quản đạt tới 100.000 km. Độ dài này thật đáng kinh ngạc, có thể khiến tất cả các con sông nghiêng mình nể phục. Nhưng con sông dài như thế làm sao có thể tồn tại trong cơ thể con người được nhỉ?

Huyết quản trong cơ thể con người có ba loại, loại thứ nhất là đem máu từ tim đến toàn khắp thân, gọi là động mạch. Loại thứ hai là đem máu từ khắp cơ thể trở về tim, gọi là tĩnh mạch. Động mạch và tĩnh mạch vươn ra khắp nơi trong cơ thể, có cành chính thô to – đại động mạch, đại tĩnh mạch; và các cấp phân chi – động mạch, tĩnh mạch; các phân chi nhỏ bé nhất – tiểu động mạch, tiểu tĩnh mạch. Loại huyết quản thứ ba là mao mạch, chúng là loại huyết quản nhỏ như sợi tóc, thực tế còn nhỏ hơn tóc kia, 50 sợi mao mạch huyết quản gộp lại mới thành một cọng tóc thô to. Mao mạch huyết quản cực nhỏ này tiếp nối giữa tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch, nó được phân bố rộng khắp nơi trong các tổ chức tế bào trong cơ thể. Đường kính của mao mạch nhỏ nhất cho nên tốc độ máu chảy bên trong cũng chậm nhất, nó là con rạch nhỏ của hệ thống sông ngòi trong khắp cơ thể. Con rạch nhỏ im ắng này không chỉ phân bố rộng khắp, mà còn có số lượng lớn đáng kể. Tổng lượng máu lưu thông trong mao mạch thậm chí còn nhiều hơn so với tổng lượng máu lưu thông trong động mạch và tĩnh mạch. Từ đó ta thấy, nếu chúng ta đem toàn bộ huyết quản trong cơ thể nối lại có thể được con sông dài vạn dặm, không phóng đại chút nào, thật đấy!