Tại sao nhện tự giam mình trong tấm lưới nó tự giăng ra?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Gặp mồi, nhện đon đả, nồng nhiệt: “mời bạn đến nhà tôi chơi!”. Rõ là một tên lừa bịp lẻo mép. Nhện làm gì có nhà. Hay nhà của nó chỉ là cái bẫy. Ruồi mà nghe lời dụ dỗ, đặt chân vào “nhà” của nó là “a lê hấp”, nhện chụp liền. Và ông quý khách, thoắt chốc đã trở thành nạn nhân, rồi trở thành bữa ăn thịnh soạn cho gia chủ.
Nhưng, nếu đó là cái bẫy giăng giữa trời như vậy, tại sao chính nhện lại không bị “sụp” cái bẫy đó? Hỏi như vậy tức là bạn cho rằng nhện không bao giờ bị sập vào bẫy do chính mình giăng ra chứ gì? Lầm! Gậy ông đập lưng ông hoài đấy chứ. Nghĩa là, chính nhện cũng bị sa bẫy và sa cũng dễ dàng chẳng thua gì anh bạn ruồi. Có điều là nhện ít bị sa bẫy hơn. Vì dù sao cũng là đất nhà nên biết rõ đường ngang lối dọc, nên khó bị lạc. Những sợi tơ được giăng một cách độc đáo nhưng nhện vẫn an tâm vì đó là những sợi tơ an toàn mà có dẵm lên sợi tơ ấy, nó cũng không bị dính chân.
Nhện có thể nhả ra nhiều loại tơ tùy theo sợi tơ đó được dùng ở chỗ nào trong mạng lưới để bắt mồi. Có những sợi tơ không dính nhưng chắc và dai, dùng làm “bộ sâu” cho mạng lưới. Chỉ có nhện mới biết sợi nào thuộc loại nào, dính hay không dính, nhờ đó nó biết đường tránh những sợi dính. Chẳng phải vì nó tài giỏi gì mà chỉ nhờ cơ quan xúc giác rất đáng kể của nó.