Tại sao nói sóc là chuyên gia bảo vệ môi trường tự nhiên?
Giới tự nhiên có rất nhiều động, thực vật, chúng không chỉ làm tăng thêm màu sắc rực rỡ đa dạng cho thế giới này, mà còn làm cho đại gia đình trên cả Trái Đất này nằm ở một trạng thái đặc biệt và hài hoà, trong đó một bộ phận giống loài tương đối lớn đã cung cấp dịch vụ tốt mà không đòi tiền công cho môi trường sống của loài người. Ví dụ như thực vật màu xanh mà chúng ta đều biết, hằng ngày đều thay cũ tiếp nhận mới một cách cần cù, cung cấp cho chúng ta khí oxy trong lành; nhiều động vật đã dùng hành động tích cực để bảo vệ cân bằng sinh thái của giới tự nhiên, chim gõ kiến trong rừng được mệnh danh là “bác sĩ trong rừng” chính là bởi vì chúng không ngừng tiêu diệt sâu bọ có hại đã xâm nhập vào trong thân cây, từ đó đã bảo đảm cho cây lớn cây bé lớn lên một cách mạnh khoẻ, vững chãi.
Rất ít người cho rằng, sự cống hiến của sóc đối với rừng có thể sánh được với chim gõ kiến. Trong ấn tượng của con người, sóc ăn hết quả của các cây như cây tùng, cây hồ đào… Nhìn từ bề ngoài cho thấy cần phải dùng biện pháp ngăn chặn với các con sóc, để đảm bảo cho hạt giống của cây có thể nảy mầm bình thường, làm cho rừng không ngừng được lớn mạnh. Thực ra, nếu như chúng ta quan sát tỉ mỉ một chút cả quá trình sóc ăn quả thì sẽ thay đổi cách nhìn đối với loài sóc.
Mỗi khi mùa thu đến, khi các quả trong rừng đã trĩu trịt, cũng là lúc các con sóc bận bịu nhất. Chúng không những hưởng thụ một cách nhiệt tình những ân huệ rộng rãi của thiên nhiên, mà còn muốn thu lượm nhiều quả cất đi làm thức ăn dự trữ cho mùa đông giá rét. Theo thống kê, sóc không thể sử dụng hết toàn bộ hạt giống mà chúng chôn xuống, trái lại có thể có hơn một nửa chôn mãi ở trong đất. Nếu vậy, đông qua xuân tới, các hạt giống trong đất phải nảy mầm. Vì thế mà hằng năm trong rừng đều sẽ mọc ra rất nhiều cây con. Các nhà khoa học dự tính, bình quân một con sóc phải cất dự trữ 14000 hạt giống. Con số này đã cho phép chúng ta tưởng tượng được sự cống hiến của loài sóc đối với rừng lớn biết bao nhiêu. Nếu như nói chim gõ kiến là “bác sĩ” trong rừng, vậy thì, sóc chính là “cha mẹ nuôi” của rừng.
Đương nhiên, còn có các động vật khác có thể có hành động giống như sóc, chuột trong rừng cũng có hành động tương tự, còn một số chim ăn quả thì sẽ thông qua việc thải phân để rắc hạt giống khắp các nơi, có tác dụng gieo trồng gián tiếp. Điều khiến người ta kì lạ là có một số hạt thực vật nếu như không được chuyển một vòng trong dạ dày của loài chim thì không thể nảy mầm sinh trưởng được.
Hiện nay chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, sóc có tác dụng rất quan trọng đối với sự hình thành và lớn mạnh của rừng trong giới tự nhiên, mà sự tồn tại của rừng còn có tác dụng quan trọng đối với các động vật khác, đối với loài người chúng ta, thậm chí đối với cả Trái Đất. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng, sóc là chuyên gia bảo vệ môi trường trong giới tự nhiên.