Tại sao “quả chuông tự do” lại bị nứt?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum
Có nhiều điều hấp dẫn liên quan đến biểu tượng nổi tiếng này của lịch sử Hoa Kỳ. Ngay khi quả chuông được đúc ra, nó đâu đã được gọi là “Quả chuông Tự Do”, mà chỉ khi được 100 tuổi, nó mới được tặng cho danh xưng đó.
Một trong những điều hấp dẫn là ngay từ lúc được đúc ra, nó đã bị nứt rạn rồi.
Quả chuông này được đúc bên Anh theo đơn đặt hàng của Quốc hội bang Pennsylvania (lúc đó chưa phải là một “bang” theo nghĩa hiện nay) để treo tại State House (Quốc hội Tiểu bang, nay gọi là đại sảnh độc lập). Lúc đầu, chuông này được đặt cho cái tên là “Chuông Quốc hội Tiểu bang” (State House Bell). Việc này xảy ra năm 1752.
Lần đầu tiên được đánh lên – (nói cho đúng là “kéo” vì chuông kiểu phương Tây không đánh bằng “chày vồ” như kiểu chuông của phương đông, mà được đánh bằng quả lắc đặt ngay bên trong ruột chuông – ND) – thì chuông đã bị nứt! Người ta đã phải đem đúc nó lại tới hai lần mới dùng được. Và rồi nó cũng lại treo ở Quốc hội Tiểu bang vào năm 1753.
Ngày 18 tháng 7 năm 1776, chuông đã được rung lên để mừng ngày quốc hội chấp thuận bản Tuyên ngôn độc lập. Sự kiện này đã thu hút óc tưởng tượng của người dân và chuông đó đã trở thành biểu tượng cho cuộc cách mạng của Hoa Kỳ. Năm 1783, một lần nữa, chuông lại được rung lên để loan báo Hoa Kỳ đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Từ đó trở đi, chuông chỉ được rung lên vào những dịp long trọng của quốc gia. Hàng năm cứ vào ngày 4 tháng 7 chuông được rung lên để nhắc nhở ngày sinh và tưởng niệm (ngày qua đời) của các vĩ nhân của quốc gia. Năm 1835, chuông lại bị nứt khi đang rung để tưởng nhớ vị chánh án Tòa Tối cao Pháp viện tên là John Marshall vừa qua đời. Sau đó nó được đem đi sửa chữa. Khoảng thời gian sau đó là lúc xảy ra những hoạt động rất tích cực của những người chủ trương “giành quyền tự do cho người nô lệ da đen”. Vì rất thiết tha với tự do và giải phóng cho nô lệ da đen nên người ta đã đặt cho cái chuông “lịch sử” kia danh xưng mới là “Chuông Tự Do”.
Một lần nữa vào năm 1845-1846, người ta đã cố gắng để “gia cố” lại chuông này. Nhưng, một lần nữa, vào năm 1846, nó lại bị nứt khi rung lên để mừng sinh nhật của Tổng thống George Washington. Lần này thì nó “hết thuốc chữa”. Sau cùng thì nó được hạ xuống khỏi tháp chuông và đem treo lên một cái giá đặt dưới đất trong tòa “đại sảnh độc lập” vào năm 1915.