Tại sao ruồi có thể bò trên trần nhà?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Ruồi là một sinh vật rất đáng sợ. Chúng gieo rắc bệnh tật và chết chóc khắp nơi. Chúng gây hại bằng cách rũ vi trùng bám dày cặp chân phủ đầy lông của chúng và đẻ trứng vào những nơi chúng kiếm ăn.

Tạo hóa cũng thật trớ trêu khi tạo nên con ruồi. Có thể con ruồi thật kỳ diệu. “Ruồi nhà” có cặp mắt to màu nâu, mỗi con mắt gồm hàng ngàn thấu kính. Loài mắt này còn gọi là mắt kép. Ngoài ra, ngay trên đỉnh đầu, ruồi còn có ba con mắt đơn khác nữa. Ba con mắt này chỉ nhìn thẳng được và nhỏ đến nỗi phải dùng “kính lúp” loại mạnh ta mới nhìn thấy được.

Những cái râu – hay là “ăng-ten” – của ruồi nhà lại được sử dụng như là cơ quan khứu giác chứ không phải là xúc giác. Với những chiếc ăng-ten này, ruồi có thể phân biệt mùi từ đằng xa. Miệng của ruồi gồm có một bộ phận mà ta có thể gọi là lưỡi, nhưng thật ra tất cả các phần của miệng một côn trùng được phối hợp làm một “cái lưỡi” này mà thôi. Cái lưỡi thực ra là một ống mà ruồi dùng để hút các chất lỏng bổ dưỡng cho nó.

Thân ruồi chia làm ba phần: đầu, ngực (khúc giữa) và bụng (khúc cuối). Bên dưới cặp cánh lớn (trong, không cản quang) có một cặp cánh nhỏ. Cặp cánh lớn để bay, cặp cánh nhỏ để giữ thăng bằng trong khi bay. Ngực ruồi có sọc và mỗi bên ngực có ba chân. Mỗi chân của ruồi gồm hai đoạn. Phía ngoài cùng của đoạn ngoài là “bàn chân”. Ruồi “đứng” và “đi” trên đầu móng của các ngón chân gắn chặt vào bàn chân. Gan bàn chân ruồi, phía dưới móng phủ đầy lông. Lông này luôn luôn được tưới bằng loại keo dính rất đặc biệt. Chính nhờ vậy mà ruồi có thể bu, có thể di chuyển ở bất cứ chỗ nào ở trong bất cứ tư thế nào, như đậu lộn ngược trên trần nhà, leo ngược trên tấm kiếng dựng thẳng đứng… Và cũng chính túm lông ở chân ruồi là nơi trú ngụ của đủ thứ vi trùng và mầm bệnh.

Bạn nên biết thêm điều này: cả thân thể của ruồi chỉ dài chừng 0,7cm vậy mà có thể bay đi kiếm ăn sinh sống ở một nơi cách chỗ nó chào đời tới mấy trăm mét, có nghĩa gấp mấy chục ngàn lần chiều dài thân thể. Thế cũng đủ biết “không gian sinh tồn” của ruồi gấp bao nhiêu lần không gian sinh tồn của con người.