Tại sao sa mạc lại di chuyển được?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Phía bắc châu Phi và khu vực Tây Á có sa mạc mênh mông, khu vực Tây Bắc Trung Quốc cũng phân bố nhiều sa mạc. Rất nhiều người chưa đến sa mạc nhưng trong tưởng tượng của họ thì sa mạc đầy cuồng phong bao phủ, sóng cát cuồn cuộn che khuất mặt trời… Nhưng sa mạc là gì?

Các sa mạc lớn mênh mông trên thế giới đều phân bố ở khu vực khô cằn, nóng bức, ít mưa, do không có nước nên cây cối rất khó sinh trưởng; nham thạch trên mặt đất bị gió thổi và mặt trời chiếu, nên dễ nát vụn. Với thời gian, khối đá dăm trở thành xỉ đá rồi biến thành hạt cát mịn. Khu vực khô cằn gió nhiều, thường thì đến trưa là nổi gió, mặt trời lặn thì gió dừng. Những hạt cát mịn đó nhờ gió chuyển dời, tích lại ở nơi nào địa thế thấp, càng tích càng nhiều, trở thành sa mạc rộng lớn.

Cát tích tụ có nhiều dạng nhiều vẻ. Trên rìa sa mạc, hình dạng tích tụ giống như một vành trăng khuyết, có cái hình thành bởi nhiều vành trăng khuyết nối nhau như một dây xích. Đi vào trong sa mạc, cát dày lên, chất đống thật cao và dài như bức tường cát lớn, giống như con đê dài trên bờ sông. Càng đi sâu vào trung tâm sa mạc, cát càng nhiều, càng dày lên, dồn đống lại cao thấp khác nhau, trở thành những ngọn núi cát. Sa mạc trông giống như một đại dương màu vàng.

Bị gió thổi, sa mạc có thể di động về phía trước. Khu vực rìa sa mạc thực vật bị phá hoại tương đối nghiêm trọng, cồn cát hằng năm tiến về phía trước từ 3 đến 5 mét, lớn nhất có thể vượt qua 10 mét. Khi thảm thực vật được bảo vệ tương đối tốt, cồn cát rất khó lấn tới. Đôi khi trong sa mạc cũng có mỏ dầu với trữ lượng lớn. Muốn khống chế được sa mạc, cần bảo vệ thảm thực vật, trồng cây gây rừng ở sa mạc.