Tại sao sấm lại đi sau chớp?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Sấm và chớp là hai hiện tượng thiên nhiên đầu tiên khiến cho con người sơ khai sợ hãi và thần bí hóa nhiều nhất. Khi thấy chớp lóe lên kèm theo tiếng nổ ầm, tiếp đó là tiếng ù ù rền rền như tiếng trống liên hồi, người sơ khai tin rằng thần linh đang nổi cơn thịnh nộ. Và sấm, sét chính là cách thức thần linh trừng phạt con người. để hiểu chớp, sét và sấm, ta cần nhớ lại những hiểu biết về điện. Nhưng trước hết, cần nói rõ chớp và sét tuy mang hai tên nhưng chỉ là một hiện tượng. Khi ta chỉ nhìn thấy tia sáng nháy nháy mà không nghe thấy tiếng nổ, hoặc nghe rất xa, ta gọi đó là chớp. Khi thấy tia sáng lóe, tiếng nổ gần và lớn, ta gọi đó là sét.
Ta biết rằng mọi vật liệu đều có khả năng nhiễm điện và tích điện – điện “dương” hoặc điện “âm”. Dương điện có sức hút rất mạnh đối với âm điện. điện tích càng lớn thì sức hút nhau càng mạnh. Khi điện tích đạt tới cực điểm – nghĩa là đến mức “quá tải” – thì vật chứa điện sẽ bị “đập bể”. Sự phóng điện – đập bể bình chứa – chính là để giải tỏa sức căng do sự quá tải để làm cho hai điện tích đó được cân bằng về điện. Hiện tượng sét xảy ra theo đúng quá trình vừa mô tả.
Một đám mây chứa điện tích trái với điện tích của một đám mây khác hoặc với điện tích của một vật ở dưới đất (cái nhà chẳng hạn). Khi điện áp giữa hai vật chứa đủ mạnh để có thể “bẻ gãy” sự ngăn cách của không khí giữa chúng với nhau thì một tia lửa điện bật lên. Sự phóng điện sẽ theo con đường có sức đề kháng yếu nhất. Do đó, chớp thường ngoằn ngoèo chữ chi là vậy.
Khả năng dẫn điện của không khí tùy thuộc nhiệt độ, tỷ trọng và độ ẩm. Không khí khô là vật cách điện rất tốt. Nhưng không khí ẩm lại là vật dẫn điện khá tốt. đó là lý do tại sao khi đã bắt đầu mưa rồi thì sấm chớp cũng giảm lần rồi ngưng. Không khí ẩm tạo thành vật dẫn điện khiến cho các đám mây điện tích có thể “giao lưu” một cách thoải mái nên không có trường hợp tích điện quá căng nữa.
Thế còn sấm là gì? Khi có hiện tượng phóng điện, không khí quanh chỗ bị dãn ra sau đó co lại cực nhanh. Sự đụng chạm giữa dãn và co cực nhanh và mạnh giữa hai luồng khí này gây ra tiếng nổ. Tiếng rền rền chính là tiếng vang của sấm từ các đám mây khác phản dội lại. ánh sáng truyền đi với vận tốc 300.000 km/giây, trong khi đó âm ba (tức sóng âm) chỉ truyền đi với vận tốc 340 m/giây trong không khí, do đó ta luôn thấy chớp rồi sau đó mới nghe thấy sấm.