Tại sao sông ngòi lại gây ra lũ? Thời gian ngắn mà nước từ đâu ra nhiều như vậy?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum
Nếu như thượng nguồn sông ngòi trong thời gian ngắn gặp mưa lớn, nước tích tụ trên mặt đất sẽ thuận theo triền núi, khe suối tuôn đổ ra sông, tức thì nước sông tăng lên rất nhanh, nước sông dâng lên, gào thét như mãnh thú ào ào tuôn xuống, nước sông ở hạ lưu không rút kịp gây ra lũ lụt, chúng ta nói lũ lụt do mưa đổ. Loại lũ này trong thời gian ngắn, lượng nước lớn, rất dễ gây ra nạn ngập úng.
Còn một loại lũ nữa xảy ra ở vĩ độ cao, lượng tuyết rơi mùa đông lớn. Ở khu vực này, do tuyết rơi nhiều lại không tan được, tuyết tích tụ rất nhiều, bởi mùa đông nhiệt độ không khí rất thấp, băng đông kết trong sông ngòi rất dày. Đến mùa xuân, nhiệt độ không khí chuyển ấm nhanh, băng trong sông tan ra, nước sông tăng lên rất nhiều, mực nước dâng lên dữ dội, ở hạ lưu nước không rút kịp cũng gây ra lũ, chúng ta gọi đó là lũ do tuyết tan.
Còn một loại lũ do con người làm ra. Để phòng ngừa hạ lưu bị tai họa do nước lũ gây ra, trên thượng nguồn người ta xây dựng đập nước cỡ lớn, chứa nước sông quá nhiều, mùa mưa ít thiếu nước, người ta tháo nước chứa trong hồ ra, cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt ở hạ lưu. Nếu chẳng may đập lớn của hồ nước đột nhiên bị bể, nước trong hồ sẽ lập tức ào ra, ở hạ lưu nước không rút kịp cũng gây ra lũ. Loại lũ do con người tạo ra tuy ít gặp nhưng do bất ngờ nên nguy hại cực kỳ lớn.