Tại sao ta thấy hình ta trong gương?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Khi ánh sáng gặp mặt phẳng thì hoặc nó bị hút mất hoặc nó bị phản chiếu lại. Tấm gương chính là mặt phẳng rất nhẵn và phản chiếu ánh sáng.

Gọi là “vận hành” của tấm gương thì nghe nó có vẻ huyền bí, ghê gớm chứ thật ra nó rất đơn giản. Bạn ném quả bóng vào tường, quả bóng bật ra như thế nào thì ánh sáng chiếu vào mặt phẳng của tấm gương cũng phản chiếu ra như vậy. Nếu bạn ném trái banh thẳng góc với mặt tường thì trái banh cũng nẩy ra theo đường thẳng góc. Nếu bạn ném theo một đường không thẳng góc (chéo) thì trái banh cũng nảy ra theo đường không thẳng góc, nhưng ở phía đối xứng. Cũng vậy, khi ánh sáng chiếu vào gương theo góc nào thì ánh sáng cũng bị phản chiếu trở lại theo góc đó nhưng ở phía đối xứng. Góc ánh sáng chiếu vào gọi là “góc tới” và góc ánh sáng phản chiếu ra gọi là góc phản chiếu. Hai góc này luôn luôn bằng nhau.

Tấm gương soi mà ta thường dùng là một gương phẳng. Gương cong không cho ta một hình ảnh trung thực vì nó làm cho hình ảnh vị vặn vẹo, sai lệch đi.

Tấm gương là một mảnh thủy tinh phẳng, một mặt được phủ một lớp bạc. Lớp bạc này sẽ “cản” không cho ánh sáng đi xuyên qua, do đó ánh sáng bị phản chiếu trở lại. Lớp thủy tinh sẽ bảo vệ mặt trong – mặt tiếp xúc với thủy tinh – của lớp bạc cho khỏi bị trầy và nhất là bị mờ vì oxyt hóa.

Bạn hãy hình dung mình đang soi gương. Ánh sáng từ trên cơ thể bạn chiếu lên mặt phẳng gương rồi những ánh sáng ấy lại bị phản chiếu trở lại. Ánh sáng phản chiếu ấy “đập vào” võng mô của mắt bạn. Thế là bạn đã nhìn thấy “hình ảnh” của chính bạn. Tuy nhiên, bạn nhìn thấy hình ảnh của mình trên tấm gương như thể bạn đang đứng ở phía sau tấm gương. Hình ảnh mà bạn nhìn thấy được gọi là “ảnh ảo”, vì ánh sáng chiếu vào tiêu điểm mắt ta dường như là phát ra từ phía sau tấm gương và bạn nhìn thấy hình ảnh bạn ngược chiều. Cụ thể như phía bên phải của bạn sẽ xuất hiện ở phía bên trái của hình ảnh, nghĩa là tất cả đều lộn từ bên này sang bên kia.