Tại sao tháp bị nghiêng mà không đổ?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Thiên hạ thường nhớ cái hấp dẫn của trí tưởng tượng hơn là cái có tính cách quan trọng. Bởi vậy nhắc đến thành phố Pisa thì thiên hạ nhớ đến cái tháp bị nghiêng của nó chớ có mấy ai biết rằng đó là thành phố có lịch sử lâu đời và rất huy hoàng.
Tất nhiên, cái tháp nghiêng của nó cũng “dễ nể” lắm. Không hề có bê tông, xi măng, cốt sắt, chỉ bằng thạch cao. Tường dưới chân tháp dầy 4m, chiều cao của tháp là 55m, nghĩa là cao bằng cái bin-đinh 15 tầng chớ ít đâu. Phía bên trong có cầu thanh cuốn gồm 300 bậc từ dưới đất lên trên đỉnh. đứng trên đỉnh có thế nhìn toàn cảnh thành phố và biển lấp lánh cách đó gần 10 km.
Trên đỉnh tháp, trọng tâm bị lệch 5,029m. Nói cách khác từ trên đỉnh tháp, thả tảng đá xuống đất, nó sẽ rớt cách chân tháp 5,029m. Cái gì khiến tháp nghiêng như vậy mà không đổ? Không ai dám trả lời mạnh miệng. Tất nhiên, lúc mới xây nó đâu có nghiêng, người ta dự kiến xây tháp này làm tháp chuông cho ngôi vương cung thánh đường ở gần đó, khởi công từ năm 1174 mà mãi đến 1350 mới xong.
Nền tháp xây trên… cát. Có lẽ vì vậy mà nó bị nghiêng? Nhưng nó không nghiêng bất thình lình, mà chỉ nghiêng khi đến lầu ba. Vì vậy bản thiết kế phải thay đổi chút ít rồi xây tiếp. Biết là nghiêng rồi mà vẫn cứ xây tiếp, thật là chẳng hiểu nổi. Trong khoảng thời gian 100 năm trở lại đây, tháp đã nghiêng thêm 0,35m nữa, theo một vài kiến trúc sư thì nên gọi là tháp “đang nghiêng” thì đúng hơn vì họ tin rằng quá trình nghiêng của nó chưa triển khai hết.
Bạn biết nhà đại bác học Galiles chứ? Quê quán của ông ở thành phố này đó. Người ta nói rằng ông đã leo lên cái tháp nghiêng đó để thí nghiệm và xây dựng được một định luật vật lý rất quan trọng là tốc độ rơi của một vật trong không gian. Và, ai đã đi học thì cũng đã học định luật này rồi, nhưng có mấy ai nhớ người đã phát hiện ra nó.