Tại sao thổ nhưỡng lại có màu sắc?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum
Bề mặt của trái đất có một lớp đất tơi xốp có độ phì nhất định và cây cối có thể sinh trưởng gọi là thổ nhưỡng. Thổ nhưỡng khác với xỉ đá dăm, khác với cát mịn được nước biển rửa sạch, đặc trưng bản chất của nó là có “độ phì”. Thế nào là độ phì? Độ phì là chỉ thổ nhưỡng có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho thực vật sinh trưởng và có quan hệ đồng điệu với môi trường. Nói một cách cụ thể là thực vật sinh trưởng cần có các chất dinh dưỡng do thổ nhưỡng cung cấp như nước, đạm, lân, kali v.v…; thực vật sinh trưởng còn cần môi trường sống thích hợp như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, không khí, v.v… Thổ nhưỡng vừa có thể cung cấp chất dinh dưỡng cần cho thực vật sinh trưởng, vừa đồng điệu được với điều kiện môi trường, đó là những khả năng mà thổ nhưỡng có được, gọi là độ phì. Cho nên, độ phì cao thì thực vật được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, thích nghi với điều kiện môi trường.
Màu sắc là một trong những đặc trưng quan trọng của thổ nhưỡng, màu sắc của nó biểu thị độ phì cao hay thấp và đặc trưng điều kiện môi trường. Màu thổ nhưỡng đen thông thường cho thấy hàm lượng chất dinh dưỡng cao và điều kiện môi trường có nhiệt độ không cao lắm và độ ẩm tương đối lớn.
Thổ nhưỡng màu đỏ, màu tím thường cho thấy hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, do điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều, những chất dễ hòa tan bị mang đi hết, chất nào khó hòa tan thực vật giữ lại, như chất oxy hóa của nhôm, sắt, mangan, cho nên nó có màu đỏ và màu tím.
Thổ nhưỡng màu xám tro, màu trắng thường là hàm lượng chất dinh dưỡng vừa phải, môi trường sống như nước tương đối đầy đủ, chất dinh dưỡng cung cấp không đầy đủ.
Ngoài ba loại màu sắc cơ bản của thổ nhưỡng đã nêu trên, còn có màu hạt dẻ, màu lam, màu nâu… đều thuộc về những màu quá độ.