Tai ta hoạt động như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Tai là một trong những dụng cụ kỳ diệu nhất của cơ thể. Nó có thể bắt được từ tiếng tích tắc nhỏ xíu của cái đồng hồ đeo tay rồi ngay sau đó “chịu” được một tiếng nổ ầm rung chuyển nhà cửa.
Ấy vậy mà không phải hễ cứ có tai là nghe được đâu. Nói cách khác tai không phải là thứ duy nhất ta cần phải có thì mới nghe được. Quá trình nghe bắt đầu từ chỗ có âm đã chứ. Không có âm lấy gì nghe. Nhưng có âm mà không có môi trường truyền âm thì cũng “điếc” luôn. Sóng không khí mà ta gọi là sóng âm “đập” vào màng nhĩ. Ta không nhìn mà cũng không cảm thấy sóng âm. Nhưng lỗ tai thính có thể bắt được những sóng âm rất yếu và truyền nó lên não bộ, chỉ khi nào sóng âm đến được não bộ thì lúc đó ta mới nghe được.
Tai gồm có ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Một vài loài vật có tai ngoài lớn, có thể cử động vểnh lên, cúp xuống để “hứng lấy” sóng âm dễ dàng hơn. Ta không thể vẫy tai được cho nên cái tai ngoài của ta chẳng giúp gì nhiều cho việc nghe của ta.
Khi tai ngoài đã hứng được âm và “bắt” nó vào trong thì âm đi vào một cái “kênh” hay là ống thích giác, ở cuối ống có một màng mỏng chắn ngang giữ vai trò của cái mặt trống. Tai giữa nằm chặn giữa tai ngoài và màng mỏng. Phía sau màng mỏng có một cái ống gọi là “vòi Eustache” dẫn sang hốc mũi và cuống họng. “Vòi Eustache” quân bình áp suất nghĩa là giữ cho màng nhĩ không bị lủng vì áp suất gây nên bởi tiếng động từ phía ngoài đè lên phía ngoài của màng nhĩ. Nhưng tiếng động quá mạnh, tức là trương một áp suất quá lớn lên phía bên ngoài của màng nhĩ mà không khí trong vòi Eustache không đủ để trương ra một áp suất nghịch chiều từ phía trong màng nhĩ thì màng nhĩ sẽ bị lủng. Nói vắn gọn thì âm thanh quá mạnh có thể làm lủng màng nhĩ.
Ngay sau phía màng nhĩ ở tai giữa là ba cục xương nhỏ xíu có cái tên là cái búa, cái đe và cái bàn đạp. Tất cả các xương đều vừa chạm vào màng nhĩ vừa chạm vào tai trong. Khi sóng âm đập vào màng nhĩ làm cho cả ba cái xương này rung lên theo và làm cho chất lỏng chứa ở tai trong có hình con ốc gọi là “oa quản” (cochlea) là những tế bào nhỏ xíu có nhiệm vụ chuyển âm thanh đến dây thần kinh. Những dây thần kinh này lại chuyển lên óc. Khi óc “nhận ra” âm đó thì lúc đó ta mới “nghe” thấy.
Ở tai trong cũng có ba ống bán khuyên chẳng có ăn nhằm gì đến việc nghe cả. Chúng cũng chứa đầy chất dịch (lỏng) có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể. Nếu bộ phận này bị hư, ta sẽ lắc lư, lảo đảo, chóng mặt, đi đứng chuệch choạc.