Thế nào là thiết kế giao thông không có chướng ngại trên đường?
Một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và trình độ văn minh của một thành phố hiện đại là thành phố có cung cấp “hệ thống không có chướng ngại” được thiết kế cho người già và người tàn tật không? “Hệ thống không có chướng ngại” bao gồm hai mặt là môi trường sống và môi trường xã hội. Môi trường sống nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người già và người tàn tật, môi trường xã hội là thoả mãn nhu cầu “đi lại” của họ.
Những năm gần đây, nhiều nước đã có sự phát triển về mặt thiết kế giao thông không có chướng ngại trên đường. Nước Mỹ quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người già, người tàn tật ngồi xe lăn hoặc xe công cộng để đi ra ngoài là nghĩa vụ cần phải làm của ngành giao thông. Đan Mạch quy định mỗi ngày ít nhất phải có một chuyến xe công cộng với chặng đường trên 100 km, trên xe có ghế chuyên dùng cho người ngồi xe lăn lên xuống dễ dàng. Nước Đức mỗi năm trích từ trong ngân sách của Chính phủ một khoản tiền để cải tạo ô tô công cộng, khiến cho người ngồi xe lăn có thể đi lại thuận tiện. Đồng thời, một số nước còn tiến hành thiết kế chỉnh lý cục bộ một số tiêu chuẩn đối với các ga tàu điện ngầm và xe điện có đường ray; xây dựng các đường qua lại chuyên dụng, để cho người ngồi xe lăn có thể dễ dàng đi trực tiếp từ sân ga vào toa xe.
Để thuận tiện cho người già, người tàn tật đi bộ hoặc ngồi xe lăn đi ra ngoài, hệ thống giao thông phải thiết kế không có chướng ngại. Đường người đi bộ phải liên tục, bằng phẳng, mặt đường không nên trơn lì, ở tất cả những chỗ đường đi bộ (vỉa hè) nối tiếp với đường chính cần tháo dỡ bậc đá, thay bằng đường có độ dốc nhỏ, cố gắng không dùng cầu vượt qua đường mà thay bằng đường hầm, độ dốc ở đầu ra và đầu vào phải nhỏ hơn 2% và ở vách đường hầm có lan can tay vịn, giúp người ngồi xe lăn có thể tự mình lên xuống đường hầm qua phố. Người già, người tàn tật đi ra ngoài, thường là đi những quãng ngắn và hay dừng lại nghỉ lấy sức, do vậy, dọc theo đường, bố trí các cửa hàng nhỏ cũng rất cần thiết. Ngoài ra, các tín hiệu giao thông, còi xe biển báo v.v. thích hợp với người già, người tàn tật cũng cần được quy hoạch và bố trí hợp lý.
Trung Quốc hiện có 120 triệu người già, 50 triệu người tàn tật. Do đó, thiết kế đường giao thông không có chướng ngại thuận tiện thật là quan trọng. Ở Bắc Kinh, năm 1988 đã từng tiến hành thiết kế cải tạo vùng Vương Phủ Tỉnh, một phần đường hầm qua phố dành riêng cho người đi xe lăn. Thành phố Thượng Hải đang tiến hành xây dựng bãi ngoại Than mới, cũng xem xét đến việc thiết kế đường không có chướng ngại. Tuy nhiên, nhìn chung, trong cả nước, thì việc thiết kế đường không có chướng ngại còn chưa được phổ cập, việc ra khỏi nhà một cách an toàn đối với người già và người tàn tật vẫn cần nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, khả năng đi lại của họ bị hạn chế rất lớn, bởi điều kiện giao thông ở trên đường phố.
Bởi vậy, việc thiết kế đường giao thông không có chướng ngại, không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, mà cần phải được sự thông hiểu và quan tâm của toàn dân.
Từ khóa: Đường giao thông; Thiết kế không chướng ngại.