Thị giác ảo là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Thị giác ảo chỉ là cái trò bịp do chính con mắt của ta bày ra để lừa chính ta. Thị giác ảo khiến ta dường như nhìn thấy một sự vật không thực. Nói cách khác, chính thị giác ảo khiến ta “nhìn” cùng một sự vật nhưng “thấy” sự vật ấy bằng hai cách hoàn toàn khác nhau.

Nếu mắt ta vận hành một cách thích đáng như một dụng cụ để nhìn đúng (chính xác) đồ vật trước mắt thì làm sao nó (mắt) có thể “lừa” ta được? Vậy mà nó vẫn lừa được. Ta nên biết hoạt động “nhìn” không phải chỉ là hoạt động thuần túy vật lý hay sinh lý. Nó không hoàn toàn giống như một cái máy chụp hình, một dụng cụ hoạt động máy móc. Cái “nhìn” thật ra là một hoạt động phức tạp vì có sự tham gia của nhiều yếu tố trong đó có yếu tố tâm lý. Nói cách khác, kết quả của cái nhìn là kết quả của một hoạt động đồng bộ của cảm giác, của ký ức, của phán đoán… nghĩa là ta không chỉ nhìn bằng mắt mà còn bằng trí não. Mắt chỉ là một dụng cụ ghi nhận một cách máy móc những ấn tượng mà thôi. Nhưng khi những hình ảnh (ấn tượng) được đưa vào não thì não sẽ “động viên” các hình ảnh, kinh nghiệm đã lưu trữ ra để so sánh và đưa ra phán đoán. Sau đó nó mới kết luận hình ảnh vừa được đưa vào đó là hình ảnh của vật gì.

Những yếu tố nào đã góp phần vào sự quyết định (kết luận) của não? Một trong những yếu tố quan trọng là những bắp cơ của mắt phải điều chỉnh sao cho có thể nhìn thấy sự vật ở thế tối ưu. Phán đoán khoảng cách, góc cạnh, mối tương quan của vật được nhìn với bối cảnh xung quanh, con mắt phải điều chỉnh tới, lui, cong, giãn… Não sẽ báo cho mắt biết khoảng cách từ mắt đến sự vật bởi vì não biết phải dùng bao nhiêu năng lượng và thời gian để mắ di chuyển tới lui. đến đây ta đã có thể nói về thị giác ảo. Giả thiết ta có hai đoạn thẳng AB và CD bằng nhau nhưng một đường nằm theo chiều dọc, một đường nằm theo chiều ngang. Ta thấy dường như đường ngang hài hơn đường dọc. Lý do? Vì nhãn cầu chuyển động theo chiều ngang thì nhanh và dễ dàng hơn chuyển động theo chiều dọc. Vì vậy não đưa ra quyết định đường ngang “dài” hơn đường dọc.