Thông tin có thể trở thành tri thức không?

Khi bạn nói chuyện với một người bạn, nếu anh ta cứ thao thao bất tuyệt nói về một vấn đề nào đó từ các khía cạnh khác nhau, cung cấp cho bạn tình hình các mặt, cung cấp những cách nhìn và kiến giải của mình thì bạn sẽ có được nhiều điều gợi ý và sẽ thu nhận được kiến thức cần thiết. Nếu như anh ta nói năng khô khốc, không có bao nhiêu nội dung, không làm bạn hứng thú thì khi cuộc trò chuyện kết thúc bạn sẽ cảm thấy thông tin thu nhận chẳng là bao. Vì sao vậy? Điều này thường là vì người bạn đầu đã có một khối lượng thông tin lớn còn người sau thì thông tin ít. Đó chứng tỏ thông tin là một cơ sở để thu nhận tri thức. Khi bạn có được nhiều thông tin thì tri thức của bạn sẽ phong phú.

Tri thức là một sự tổng kết nhận thức của con người đối với các hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội, là những thông tin đã được hệ thống hóa, quy phạm hóa, cấu trúc hóa; nó đã xâu chuỗi từng tin riêng lẻ hoặc nhiều tin bằng các phương thức. Ví dụ chúng ta có được hai thông tin: “trời nóng nực” và “khí hậu ẩm ướt” thì sẽ có được kiến thức: “trời sắp mưa”. “Xâu chuỗi” là mối nối kết liên hệ các thông tin khác nhau. Nếu ta dùng quan hệ từ nhân quả “nếu…thì” để liên hệ sự thực “trời nóng nực” và “khí hậu ẩm ướt” lại thì sẽ thành một tri thức “trời sắp mưa” và chúng ta có thể dùng quan hệ từ nhân quả để viết thành phương thức biểu đạt như sau: “nếu trời nóng nực và ẩm ướt thì sắp có mưa”.

Tri thức sinh ra từ những thực tiễn và hoạt động tư duy của loài người. Khi con người đã nắm một khối lượng lớn thông tin thiết thực, trải qua thực tiễn và tư duy, thì tri thức của con người sẽ dần dần trở nên phong phú. Bởi vậy, tri thức và thông tin có mối quan hệ chặt chẽ. Thông tin qua thực tiễn và tư duy của con người sẽ có thể biến thành tri thức được.

Từ khóa: Tri thức thông tin; Xâu chuỗi.