Tớ đã học TIẾNG ANH như thế nào?

Công việc chuẩn bị hoàn tất, phần khó khăn nhất là thuyết trình. Ban đầu, tớ nói cũng không được lưu loát lắm đâu và liên tục phải nhìn vào những thông tin hiện trên slide nhưng nếu mà cứ nhìn như vậy thì giống như người đọc chứ không phải là nói, là “hùng biện” nên tớ phải tập luyện nhiều, khi nào rảnh rỗi là tự nói, có khi ghi âm lại rồi nghe và tự sửa. Rất vui là bố mẹ tớ luôn tạo cho tớ một không khí nói thật tự nhiên. Trong nhà tớ có một nơi chuyên để dành cho việc thuyết trình của tớ. Trước đó, mẹ đã chuẩn bị bàn ghế, máy tính, có hôm “xôm” hơn còn có cả bánh ngọt. Tớ sẽ không xuất hiện ngay mà đợi lời giới thiệu của bố. Mỗi hôm bố tớ phong cho tớ một vị trí, khi thì là giáo sư đại học Havard, khi thì là nhà khoa học nổi tiếng, khi thì là chính khách… rồi tớ mới bước vào trong sự hân hoan chào đón của bố mẹ. Tớ cũng phải thực hiện một số “nghi lễ” giao tiếp như nếu là giáo sư thì chào sinh viên, nếu là chính khách thì bắt tay mọi người. Sau đó thì màn thuyết trình bắt đầu. Theo yêu cầu của các khán giả, ngoài kĩ năng nói cho mạch lạc, tớ còn phải thể hiện bằng nét mặt, bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng ngữ điệu. Ngoài ra, muốn ghi điểm hơn nữa thì phải có khả năng thu hút, lôi kéo người nghe (không hấp dẫn thì thế nào mẹ tớ cũng vừa nghe vừa… nhắn tin). Kết thúc bài thuyết trình, bố mẹ tớ sẽ có “cuộc họp kín” để bàn luận xem sẽ cho bao nhiêu điểm rồi mới công bố. Bố tớ thường đánh giá cao những bài nói có kết cấu chặt chẽ, thông tin phong phú, mẹ tớ thì thích những bài thể hiện sự quan sát tinh tế và vốn hiểu biết của bản thân. Rất nhiều lần tớ làm bố mẹ ngạc nhiên vì khả năng tìm hiểu thông tin của mình, ví dụ như bài về Lịch sử của chữ viết mà tớ vừa làm cách đây không lâu. Bố tớ đã thực sự thích thú khi tớ tìm được và đưa ra những nhận định về sự tương quan giữa chữ viết cổ với các nét hoa văn trên trống đồng, những trang chữ viết cổ mà tớ tìm được qua nhiều nguồn thông tin khác nhau. Sau buổi thuyết trình của tớ, bố tớ đã xin lại những tài liệu mà bố cho là rất quý giá ấy để phục vụ cho bài giảng của bố tớ ở trường đại học. Tớ vui lắm vì nghĩ rằng mình đã làm được những việc có ích.

Có lẽ nhờ thường xuyên thuyết trình mà khi thi nói trong các kì thi tiếng Anh quốc tế, tớ không hề mất bình tĩnh tẹo nào. Thi TOEFL IBT, ấy cần nói với một… cái máy về bất cứ chủ đề nào trong khoảng thời gian hạn hẹp là 45 giây. Thời gian càng ngắn thì nói càng khó các ấy ạ. Ban đầu khi luyện thi, tớ mấy lần định bỏ cuộc vì không thể nào gói ghém hết ý trong có chừng ấy thời gian nhưng rồi tớ cứ liên tục tự bấm giờ đồng hồ và luyện nói, chỉ cần quá 1 giây là tớ lại nói lại từ đầu. Thi IELTS, tớ bị từ chối vì nhỏ tuổi quá và các cô văn phòng có giải thích là người phỏng vấn sẽ rất khó để hỏi thi vì tớ còn ít tuổi quá trong khi các vấn đề thường hỏi lại mang tính xã hội. Mẹ tớ phải năn nỉ cuối cùng các cô mới đồng ý. Hôm thi nói tớ gặp một cô chuyên gia rất thoải mái, và thật bất ngờ, riêng phần thi nói tớ đạt 7.5. Các ấy thấy không, luyện tập chính là một cách để mình có thể vượt qua khó khăn, khắc phục thử thách đúng không nào?

HỌC TRONG LÚC NGỦ

Nghe thì thật buồn cười đúng không các ấy, nhưng quả thực đây là cách mà tớ vẫn thường áp dụng đấy. Khi mới học ngoại ngữ, mọi người thường tự nhủ: Mỗi ngày ta chỉ cần học từ 10 đến 20 từ, như vậy vị chi là một năm ta đã có khoảng 7000 từ, học trong vài năm, ta sẽ có số lượng từ khổng lồ và như thế, tiếng Anh lúc đó cũng giống như tiếng Việt mà thôi.

Tin tưởng với tính toán đó, ấy bắt tay vào học, những ngày đầu thấy con số đặt ra sao mà quá đơn giản, ấy thậm chí còn học vượt cả mong đợi. Tuy nhiên, đến những ngày tiếp theo, các từ bắt đầu lẫn lộn và rồi, kể cả nếu không lẫn, dù ấy có nhớ chắc chắn được từ đó nhưng khi cần dùng thì chúng bỗng nhiên biến mất. Có đúng thế không các ấy? Điều này thực ra rất dễ hiểu, đó là, muốn sử dụng được, huy động được vốn từ này, ý thức thôi chưa đủ, ấy cần phải lưu chúng vào tiềm thức của mình. Nói một cách có hình ảnh thì tớ có thể ví tiềm thức giống như một cái kho. Khi thu được vật gì, ta giao cho người thủ kho xếp vào kho và không bận tâm đến vật ấy nữa. Nhờ đó mà đầu óc ta không bị căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không có tiềm thức thì cũng như ta mất đi cái kho, khi thu được vật gì, ta phải bo bo giữ lấy vật ấy trên người vì sợ bị thất lạc. Dĩ nhiên, như vậy hoặc là ta sẽ nghèo xơ nghèo xác hoặc bị kiệt sức. Nói như vậy các ấy đã hình dung ra tiềm thức là gì chưa, đó chính là cái kho kiến thức quý giá mà ấy đã tích lũy được và khi cần chỉ việc lấy ra dùng. Thế thì nếu ấy thấy một người nói tiếng Anh nhanh như gió thì có nghĩa là họ đang nhờ đến tiềm thức chứ không phải do họ đã học thuộc lòng hàng nghìn từ trong một tuần đâu. Anh bạn tiềm thức này thật hay quá đi thôi ấy nhỉ. Tớ đã biết điều này khi đọc một số bài báo bằng tiếng Anh và tớ nhận thấy đặc biệt lý thú.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đưa kiến thức được vào tiềm thức? Có một số điều kiện sau các ấy nhé: Trước hết, phải xây dựng kiến thức đó trên những gì ấy đã nắm vững từ trước. Tiếp theo, quan trọng hơn ấy phải vận dụng những điều đã học vào nhiều trường hợp đa dạng, thí dụ với một từ mới, ấy đừng đặt trong một câu mà trong nhiều câu khác nhau, nhiều lúc khác nhau. Và điều cuối cùng là những lần vận dụng đó phải do chính mong muốn được nói, được sử dụng tiếng Anh của ấy, có nghĩa là ấy phải dùng một cách đầy hứng thú chứ không phải do bố mẹ hay thầy cô bắt buộc. Nhưng tớ cũng lưu ý điều này, để duy trì hứng thú thì ấy phải biết cách vận dụng cho vừa sức. Nếu ấy đặt từ mới vào một câu mà ấy chưa nắm vững ngữ pháp, các từ còn lại cũng xa lạ với ấy thì kết quả không như mong đợi, anh thủ kho tiềm thức sẽ chẳng nhận từ mới của ấy đâu và lần sau ấy sẽ nản khi gặp các từ khác. Bạn thân mến, đã bao giờ ấy gặp trường hợp này chưa: Ấy đang giải một bài toán, chật vật mãi mà vẫn “bí”, ấy không thèm nghĩ đến nó nữa và bỏ đi chơi. Hôm sau ấy giở ra vẫn bài toán cũ và kì lạ thay, lần này ấy giải ngon ơ. Những tình huống như vậy không chỉ có ở chúng ta mà ngay cả các nhà khoa học vĩ đại như Newton, Acsimet khi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn hay định luật sức đẩy của nước cũng trong những hoàn cảnh như vậy.

Đến đây thì chúng ta có thể khẳng định rằng, khi ấy kết thúc một công việc nào đó, cái gọi là tiềm thức của ấy vẫn làm việc, tiếp tục làm việc. Nó đã thực hiện một công việc khổng lồ, nó dường như sục sạo trong kho lưu trữ của ấy, khi thì để giải bài toán, khi thì để ấy nhớ một từ tiếng Anh. Vui quá phải không các ấy? Và tớ đã tận dụng điều này, trước khi đi ngủ hoặc khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, tớ thường lướt qua trong đầu những từ tiếng Anh vừa học, những bài đọc tiếng Anh dài ngoằng với rất nhiều từ khó, những câu hát tiếng Anh, lẩm nhẩm thôi, thật yên ắng và thật dễ chịu, tớ chìm vào giấc ngủ, bàn giao công việc cho anh bạn thủ kho tiềm thức tận tuỵ. Đến đây thì các ấy đã hiểu vì sao tớ lại nói là Học trong lúc ngủ rồi chứ?

Nhưng không phải cứ suy nghĩ hoặc ám ảnh về các bài học thì tiềm thức mới làm việc đâu, các ấy biết không, giải trí tốt sau khi làm việc cũng giúp tiềm thức hoạt động đầy đủ. Sau những giờ học tiếng Anh, tớ thường đá bóng, lúc thì đá bóng giấy, lúc thì đá bóng nhựa, có khi cả… bóng bay cũng đem ra để đá, rồi đi bộ, leo cầu thang, lau nhà, phơi quần áo… Tất cả những việc gì mẹ tớ nhờ. Mà mẹ tớ thì lại hay nhờ vì mẹ nói khi có tớ làm cùng, mẹ cảm thấy công việc trở nên đơn giản. Thành ra mỗi lúc đi ngủ là tớ đã mệt nhoài. Nhưng chỉ cần vài ba phút để đánh thức anh bạn tiềm thức đỏng đảnh, tớ tin rằng anh ấy sẽ giúp mình ngay.

Thế đấy, các ấy nhớ nhé, nếu mình học, nhất là học tiếng Anh mà không vận dụng, không ôn tập và củng cố có nghĩa là khi đó chỉ có ý thức các ấy làm việc còn tiềm thức bị ngủ yên. Ấy cần phải suy nghĩ, sắp xếp những điều đã học trong mối quan hệ với những gì đã học, luyện nghe, luyện nói… tất cả những hoạt động đó là để mở đường cho tiềm thức. Bố tớ thường nói rằng nếu chỉ học mà không có vận dụng thì giống như mình gặt về mà chất đầy ngoài sân, ngày qua ngày, lúa sẽ mục. Các ấy thấy có đúng không nào?