Trên Mặt trăng có “biển” và “lục địa” không?
Buổi tối nhìn lên Mặt Trăng, bạn có thể thấy trên đó có chỗ sáng, chỗ tối. Người xưa không giải thích được hiện tượng này, nên tưởng tượng trên Mặt Trăng có cung Quảng hàn, có các chị Hằng Nga sinh sống. Đầu thế kỷ XVII, Galilê – nhà khoa học Italia lần đầu tiên dùng kính viễn vọng tự chế nhìn lên Mặt Trăng, ông không thấy có các cô Hằng nga xinh đẹp mà chỉ phát hiện nhiều hố lồi lõm, không bằng phẳng. Galilê cho rằng những chỗ sáng lồi lên chắc chắn là núi cao và lục địa, gọi là “lục địa trăng”; còn những chỗ tối và lõm xuống là biển, gọi “biển trăng”. Galilê đặt tên cho chúng là biển mây, biển ẩm thấp, biển mưa, biển gió bão, v.v..
Nói thế tức là trên Mặt Trăng có lục địa và biển thật ư?
Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật quan trắc thiên văn, đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật thám sát vũ trụ người ta phát hiện thêm bộ phận sáng trên Mặt Trăng đúng là núi cao, đó là những ngọn núi và những dãy núi vòng tròn, nhưng bộ phận tối hơn không phải là biển, vì trong đó căn bản không có nước, chỉ là những chỗ trũng thấp thành các bình nguyên rộng lớn mà thôi. Mặc dù như vậy “biển trăng” cái tên này tuy gọi không đúng nhưng vẫn dùng mãi cho đến nay.
Có 22 biển đã chính thức có tên gọi, tuyệt đại đa số phân bố ở nửa đối diện với Trái Đất, trong đó biển to nhất được gọi là biển gió bão, diện tích hơn 5 triệu km2, tiếp theo là biển mưa, diện tích khoảng 80 vạn km2.
Vì biển trăng nói chung thấp hơn lục địa từ 2000 – 3000 m, chỗ sâu nhất thấp hơn 6000 m, cộng thêm các bộ phận lục địa trên Mặt Trăng chủ yếu là đá mầu sáng cấu tạo thành, còn các biển chủ yếu do đá màu đen cấu tạo nên, do đó bộ phận lục địa phản chiếu ánh nắng Mặt Trời mạnh hơn, ta nhìn lên thấy sáng hơn, còn phần biển phản chiếu ánh nắng Mặt Trời yếu hơn nên ta nhìn thấy tối hơn.
Từ khoá: Mặt Trăng; Lục địa Mặt Trăng; Biển