Triển vọng của thuốc vacxin chống ung thư
“Nghe nói đã có thuốc tiêm phòng chống bệnh ung thư. Xin cho biết thực hư”.
Chuyện có thật đấy. Có 2 thành tựu, một trên người và một trên chuột thí nghiệm. 1. Cuối năm 1997, một phụ nữ Đức 65 tuổi được chẩn đoán qua lâm sàng và ảnh scanner là bị ung thư thận đã di căn, cầm chắc cái chết. Bà xin làm người đầu tiên thử nghiệm một vacxin loại mới (do nhóm nghiên cứu của giáo sư G. Muller thuộc Bệnh viện Gottingen của Đức sáng tạo) và bà đã khỏi bệnh hoàn toàn, các di căn ung thư ở hai phổi cũng biến mất, sau hai năm rưỡi không xuất hiện lại. Như vậy là vacxin đó có tác dụng chữa ung thư rõ rệt.
Vacxin chống ung thư của Đức được chế tạo theo các bước sau: Lấy một số tế bào ung thư đem nghiền nát. Lấy các bạch cầu đơn nhân trong máu người bình thường đem nuôi cấy ở 37 độ C trong môi trường có cytokin. Sau 7 ngày đêm, các bạch cầu này biệt hóa và trở thành tế bào sợi nhánh chưa thành thục. Đem các tế bào ung thư trộn với các tế bào sợi nhánh này rồi đặt vào một thiết bị, để chúng hợp nhất thành các tế bào lai dưới tác động của một cú sốc điện.
Sau khi tế bào lai này được tiêm cho bệnh nhân ung thư, chúng kích thích bạch cầu lympho T (LT) tiết cytokin để kích hoạt nhiều tác nhân của hệ miễn dịch, đồng thời thúc đẩy bạch cầu lympho B (LB) sản xuất kháng thể hướng vào kháng nguyên của khối ung thư.
Nhờ đó, hệ miễn dịch tấn công thắng lợi vào tế bào ác tính và di căn. Các LT nhận diện ra ngay và phá hủy chúng. Các bạch cầu đơn thuần, các đại thực bào hay các bạch cầu lympho khác cũng nhận diện ra các kháng thể dính trên bề mặt của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. 2. Viện Pasteur của Pháp đã hiệu chỉnh được một vacxin tổng hợp mang tên MAG (Multiple Antigenic Glycopeptide) giúp 70% chuột khỏi bệnh nhờ loại trừ được khối ung thư.
MAG gồm một trung tâm lysine và 4 peptide mô phỏng kháng nguyên của virus sốt bại liệt, có gắn thêm đường Tn (kháng nguyên đặc hiệu của tế bào ung thư). Khi tiêm MAG cho chuột bị ung thư, kháng nguyên của virus sốt bại liệt bị tế bào sợi nhánh của chuột thu lấy và đưa tới LT; bạch cầu này bèn kích thích LB bằng cách phóng thích cytokin. LBiện ra kháng nguyên Tn trong vacxin, bèn tự tăng cường số lượng và sản xuất các kháng thể để gắn lên các đường Tn của tế bào ung thư. Nhờ việc “đánh dấu” này, các tác nhân của hệ miễn dịch nhận rõ mục tiêu tấn công và phá hủy tế bào ung thư.
Hai thành tựu nói trên mở ra triển vọng tốt đẹp trong việc chữa trị các bệnh nan y, kể cả HIV/AIDS.