Vật thể xa nhất có thể thấy được bằng mắt thường là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum

Đây là một trong những câu đố mẹo thường được đặt ra dưới dạng “Bạn có thể nhìn xa bao nhiêu với mắt trần?”. Bạn có thể nghĩ ra nó vào khoảng 160km, giả sử là từ đỉnh Everest hay điểm nào đó cao gần như vậy.

Câu trả lời thực sự phụ thuộc vào tầm mắt của bạn tốt tới mức nào nhưng xa hơn nhiều so với bạn nghĩ. Bất cứ ai với tầm nhìn trung bình cũng có thể nhìn thấy thiên hà trong chòm sao Tiên nữ (Andromeda), cách trái đất khoảng 2.200.000 năm ánh sáng hay khoảng 20 tỉ tỉ km. Còn những ai với tầm nhìn thực sự tốt thì thậm chí còn có thể nhìn thoáng qua cũng thấy thiên hà M33 trong chòm sao Tam giác (Triangulum). Thiên hà này chỉ có thể nhìn thấy khi bầu trời thật sự trong và nó cách xa trái đất 3.000.000 năm ánh sáng, gần gấp rưỡi so với chòm sao Tiên nữ.

Khi một thiên thạch đến gần trái đất, tại sao lực hấp dẫn không kéo nó vào và gây nên một cú va chạm?

Trái đất đã suýt lâm nguy vào năm 2002, khi một thiên thạch rộng khoảng 100m, tên là 2002MN, đến gần 120.000km so với trái đất. Nếu lúc đó nó va vào trái đất, cú va chạm sẽ có sức mạnh hủy diệt của gần một chục quả bom khinh khí (H-bomb). Theo cách nói thường ngày, 120.000km dường như là một khoảng cách rất lớn nhưng trọng lực của trái đất vẫn còn một vài ảnh hưởng còn xa hơn nhiều trong không gian (bằng chứng là mặt trăng của chúng ta, với khoảng cách xa hơn gấp ba lần). Lý do khiến 2002MN trượt khỏi tầm ngắm của trái đất là chuyển động tương đối của nó so với trái đất thì quá nhanh – khoảng 10.000 m/s – đến nỗi nó đã có đủ năng lượng để thoát ra khỏi “giếng trọng lực” của trái đất và trở về với không gian sâu thẳm. Một tính toán nhanh cho thấy rằng 2002MN phải tới gần 3.200km so với mặt đất để có thể bị hút vào và gây ra một vụ va chạm. Hầu hết các thiên thạch có một tốc độ còn cao hơn và phải đến gần 1.600 km so với trái đất để va vào được chúng ta. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi có một thiên thể làm được điều đó.