Vì sao có thể khống chế sét bằng phương pháp nhân tạo?
Trên Trái Đất bình quân mỗi giây có một nghìn lần sét đánh. Sét có năng lượng cực lớn. Chỉ một cú sét bình thường có thể sản sinh dòng điện 10 vạn ampe và năng lượng 4 x 106 jun. Luồng năng lượng cực lớn này có khi gây ra những tai hoạ rất lớn cho con người, nó có thể đánh trúng tên lửa hoặc máy bay trên không, có thể phá huỷ những kiến trúc cao tầng, có thể chẻ tan cây cổ thụ, có thể xoắn cong những thanh kim loại lớn, có thể gây hoả hoạn cháy rừng, hoặc đánh chết người hay súc vật. Để chiến thắng sự nguy hiểm của sét, tránh đến mức tối đa các tổn thất, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhiều loại thiết bị chống sét. Nhưng các thiết bị chống sét bị hạn chế rất lớn vì không thể lắp cho bất cứ chỗ nào, hơn nữa thiết bị chống sét có lúc cũng không an toàn. Do đó các nhà khoa học mong muốn: đã có thể làm mưa nhân tạo, phá mù, phá mưa đá nhân tạo, vậy có thể dùng biện pháp nhân tạo để khống chế hoặc tránh sét được không?
Ngày nay ý tưởng này đã trở thành hiện thực, mấy năm gần đây các nhà khoa học đã nghiên cứu ra ba phương pháp chống sét.
Phương pháp thứ nhất là rắc các hạt đông kết trong đám mây giông. Nhiều tư liệu chứng tỏ, khi trong đám mây cùng tồn tại giọt tinh thể băng và từng đám tinh thể băng thì sẽ sản sinh những hạt mang điện và hình thành điện trường khá mạnh. Lúc đó nếu rắc một lượng lớn iốt công nghiệp hoặc chì iođua vào trong đám mây giông, khiến cho các giọt nước ngưng kết trên các hạt xúc tác thành tinh thể băng thì có thể khiến cho số giọt nước giảm nhiều, từ đó giảm thấp các hạt mang điện, khiến cho sét không dễ hình thành.
Phương pháp thứ hai là rắc những sợi kim loại hoặc sợi nilông mạ kim loại vào trong đám mây giông. Các sợi kim loại ở trong điện trường mạnh sẽ sản sinh ra hiện tượng phóng điện, khiến cho sự phân bố điện tích trong đám mây khuếch tán vào trong không trung, do đó điện trường không mạnh đến mức sản sinh ra sét được.
Phương pháp thứ ba là chủ động làm tan điện trong đám mây giông. Khi điện trường trong đám mây giông chưa đạt đến mức độ gây sét, ta có thể bắn pháo hoặc tên lửa vào đó, làm cho nó nổ trong đám mây.
Đạn nổ một mặt có thể tạo thành chất khí có khí áp và nhiệt độ cao, gây ra khí nhanh chóng khuếch tán ra bên ngoài hình thành sóng xung kích làm yếu cường độ điện tích trong mây, khiến cho điện tích không đủ để gây sét, mặt khác có thể làm thay đổi kết cấu đám mây, ví dụ thúc đẩy các hạt nước quá lạnh ngưng kết, hình thành nhiều tinh thể băng trong mây, khiến cho điện trường trong mây giảm thấp, từ đó mà tránh được gây sét.
Đương nhiên những phương pháp nhân tạo trên đây còn chưa thành thục, hơn nữa chỉ có thể dùng để làm yếu khu vực cục bộ. Chúng ta tin rằng cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học khí tượng con người nhất định sẽ tìm được những phương pháp nhân tạo phá tan sét tốt hơn.
T ừ khoá: Phá sét nhân tạo.