Vì sao có thể phá mưa đá bằng phương pháp nhân tạo?
Mưa đá là thời tiết có hại. Mưa đá to phá huỷ mùa màng, làm sập nhà cửa, gây thương tích cho người và súc vật. Vậy có thể dùng phương pháp nhân tạo để phá tan mưa đá trước khi nó hình thành được không?
Muốn dùng phương pháp nhân tạo phá mưa đá thì trước hết phải làm rõ mưa đá được hình thành như thế nào trong các đám mây.
Chúng ta đập vỡ cục mưa đá sẽ thấy rõ trong đó có phôi đá. Rất nhiều giọt mây quá lạnh ở trong đám mây đông kết bám vào phôi khiến cho phôi đá to dần, trở thành cục đá. Cho nên trong đám mây mưa đá muốn hình thành cục đá trước hết phải có phôi, đồng thời phải có những giọt mây quá lạnh.
Vì vậy muốn phá tan mưa đá thì cần phải nắm vững điều then chốt này để tìm cách giảm thấp những giọt mây quá lạnh trong mây.
Có mấy phương pháp để giảm thấp những giọt mây quá lạnh.
Phương pháp thứ nhất là giảm thấp sự cung cấp những giọt mây quá lạnh. Bắn pháo để giảm thấp những luồng không khí bốc lên cao, hoặc rắc những hạt hút ẩm dưới đáy đám mây quá lạnh khiến cho hơi nước bốc lên sớm hình thành hạt nước lớn, không thể tiếp tục bốc lên đám mây quá lạnh.
Phương pháp thứ hai là giảm bớt những giọt mây quá lạnh đã hình thành bằng cách cho thêm những hạt băng hoặc chất xúc tác quá lạnh vào trong đám mây khiến cho các giọt mây quá lạnh đông kết sớm hoặc kết lại trên nhiều phôi đá, làm cho phôi đá không thể to thành cục đá, từ đó khi rơi vào lớp không khí bên dưới dễ bị nhiệt độ cao mà chảy thành nước.
Phương pháp thứ ba là tăng thêm số lượng các hạt đông kết, lợi dụng sự đông kết hấp thu nhiệt tạo thành những luồng không khí bốc lên cao, làm cho những giọt mây quá lạnh chưa bám được vào phôi đã bốc lên cao đến tầng không khí có nhiệt độ dưới -30°C vì vậy làm cho những giọt mây quá lạnh này đông kết lại và không trở thành phôi đá được.
Mấy phương pháp trên đây, phương pháp nào tốt nhất hoặc còn có phương pháp nào khác nữa, tất cả đều đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Có những nước còn dùng phương pháp trước khi những đám mây đá hình thành, đã cho chất xúc tác để khiến cho mây đá không phát triển thành cục đá được. Như vậy sẽ không có khả năng xảy ra mưa đá.
Vì phá mưa đá bằng phương pháp nhân tạo có đạt được hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào vị trí rắc chất xúc tác, cho nên người ta thường dùng máy bay, tên lửa, hoặc đạn pháo để làm những công cụ rắc chất xúc tác.
Ở T rung Quốc những vùng hay mưa đá như Nội Mông, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Cam Túc, v.v. đã sử dụng rộng rãi phá mưa đá bằng phương pháp nhân tạo. Nhưng về mặt lý luận, kỹ thuật và chất xúc tác đều tồn tại nhiều vấn đề cho nên cần phải đẩy mạnh nghiên cứu hơn nữa mới có thể nâng cao hiệu suất.
T ừ khoá: Mưa đá; Phá mưa đá bằng phương pháp nhân tạo; Chất xúc tác.