Vì sao đàn điện tử có thể tấu lên điệu nhạc tươi vui êm tai?
Nhạc cụ có thể phát ra tiếng nhạc du dương êm tai, nói chung là do dao động của dây đàn hoặc lưỡi gà. Nhưng trong “đại gia đình” các nhạc cụ có một thành viên mới gọi là “đàn điện tử” lại chẳng giống ai cả, trên mình nó không tìm đâu ra dây đàn hoặc lưỡi gà, thế mà cũng có thể diễn tấu ra các bản nhạc tươi vui êm tai.
Thế là thế nào nhỉ?
Hoá ra là trên mình của đàn điện tử có lắp nhiều bộ dao động điện tử do bóng bán dẫn, điện trở, tụ điện hợp thành. Nhữngbộ dao động điện tử này đã được điều chỉnh sẵn ở những tần số khác nhau. Các tín hiệu dao động do chúng sinh ra, qua sự phóng đại của bộ phóng đại điện tử, có thể phát ra âm thanh với âm điệu khác nhau trong loa.
Thông thường, khi nhạc cụ phát ra mỗi một âm thanh, dây dẫn không chỉ dao động theo tần số riêng một cách giản đơn (loại dao động này quyết định độ cao thấp của âm điệu, gọi là âm thanh gốc) mà còn chứa nhiều sóng âm điều hoà (hoạ ba), tần số của chúng bằng bội số tròn của âm gốc, âm phát ra gọi là âm bội. Âm gốc và âm bội trộn vào nhau một cách hài hoà mới làm cho âm sắc đầy đặn êm tai. Cũng như vậy, dao động điện tử của mỗi một âm do đàn điện tử phát ra cũng bao gồm cả tần số âm gốc và nhiều tần số âm bội. Hơn nữa, âm bội của đàn điện tử có thể được tạo ra phong phú hơn so với của nhạc cụ phổ thông, cho nên âm sắc của nó cũng đặc biệt vui tai.
Đàn điện tử cũng có một hàng phím tương tự như trên piano, mỗi khi ấn một phím đàn, ví dụ như phím “đô”, tức là đã nối thông bộ dao động của âm “đô”, loa liền lập tức phát ra âm “đô”. Người diễn tấu chỉ cần nhấn phím theo nhạc phổ là có thể tấu ra bản nhạc tươi vui êm tai!
Cây đàn điện tử đầu tiên ra đời năm 1904. Ngày nay, đàn điện tử đã là một “người lắm tài” trong “đại gia đình” các nhạc cụ. Nó có thể mô phỏng âm thanh của nhiều loại nhạc cụ phát ra. Người ta chỉ cần bấm một cái nút bấm chuyên dùng trên mặt đàn, đàn điện tử liền có thể lần lượt bắt chước âm sắc của các loại nhạc khí như piano, violon, sáo, clarinet, kèn đồng, violon xen v.v., nghe thật là kì diệu. Vận dụng sự điều khiển của nút bấm, một chiếc đàn điện tử thậm chí có thể bắt chước sự diễn tấu của cả một dàn nhạc quy mô nhỏ. Có nghĩa là, chỉ cần một người chơi một chiếc đàn điện tử, nghe ra phảng phất như một dàn nhạc đang hợp tấu!
Áp dụng kĩ thuật mạch tích hợp, đàn điện tử còn có thể được chế tạo ra gọn nhẹ, tinh xảo và tiện lợi hơn.
Từ khóa: Đàn điện tử; Bộ dao động điện tử; Âm gốc; Âm bội.