Vì sao đề xướng dùng phương pháp sinh vật để trừ sâu bệnh trong nông nghiệp?
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng quan trọng trong nông nghiệp, nhưng đồng thời loài người cũng vì thế mà phải trả giá rất đắt.
Việc sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến ngộ độc, khiến cho con người bị bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới, số người ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1 triệu người, chết khoảng 2 vạn người. Sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật còn khiến cho động vật bị ngộ độc, nông sản bị ô nhiễm. Chỉ riêng nước Mỹ mỗi năm vì các sản phẩm chăn nuôi bị ô nhiễm mà gây nên tổn thất kinh tế rất lớn, vượt quá 29,6 triệu USD. Toàn thế giới hàng năm có hàng chục triệu gia súc bị ngộ độc vì ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra vì thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng với một lượng lớn nên rất nhiều loài côn trùng và sinh vật kí sinh trong hệ thống sinh thái tự nhiên bị giết chết, còn tính nhờn thuốc của sâu bệnh lại tăng lên. Theo điều tra, đến nay có khoảng 504 loài sâu bệnh và bướm, hơn 150 loài bệnh khuẩn thực vật và 273 loài cỏ dại đã nhờn thuốc ở mức độ rất cao.
Thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường cũng rất nghiêm trọng. Sau khi dùng thuốc bảo vệ thực vật hầu như không tránh khỏi thuốc lẫn vào nước sông hồ, thẩm thấu xuống đất, ngấm vào nước ngầm khiến cho các loài cá và chim, thậm chí con người đều bị thiệt hại.
Thuốc bảo vệ thực vật có nhiều tác dụng phụ như thế, vậy có thể không dùng nó mà thay bằng phương pháp khác để ngăn ngừa sâu bệnh trong nông nghiệp được không? Những người làm công tác khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu ra phương pháp dùng sinh vật để trị sâu bệnh. Ví dụ dùng các loài côn trùng và các vi sinh vật có ích để phòng ngừa sâu bệnh trong nông nghiệp và lâm nghiệp, thực hiện dùng sâu trị sâu, dùng khuẩn trị khuẩn và dùng khuẩn trị các bệnh hại khác. Người ta đã dùng ong mắt đỏ, ong vàng v.v.. để diệt các loài côn trùng gây hại cho cây lúa, cây bông và cây lấy dầu; lợi dụng sâu đũa để trị sâu ngô, sâu cây thông, sâu cắn lúa; dùng các loại men để trị bệnh lá lúa bị khô, bệnh đạo ôn, bệnh thối đòng, bệnh quả táo bị thâm đen từng điểm. Ở khu vực trồng lúa phía nam Trung Quốc nông dân còn dùng biện pháp chăn thả vịt để ăn sâu. Mỗi lần sâu rầy lúa phát triển mạnh, người ta thả đàn vịt vào ruộng để bắt sâu, hiệu quả đạt 70% – 80%. Dùng phương pháp này vừa trừ được sâu hại lại nuôi vịt tốt, “nhất cử lưỡng tiện”.
So với việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp dùng sinh vật để trừ sâu hại có ưu điểm về các mặt kinh tế, đơn giản, an toàn, có hiệu quả, không ô nhiễm môi trường và không hại đến sức khỏe con người, cho nên cần được mở rộng ứng dụng.
Từ khoá: Phòng ngừa bằng sinh vật; Sự ô nhiễm của thuốc bảo vệ thực