Vì sao đèn đường trong mưa có các quầng sáng?
Vào các buổi tối trời mưa, thường có thể trông thấy đèn đường trên phố xá bị các quầng sáng màu sắc bao bọc lấy. Những quầng sáng có màu sắc ấy chỉ có trời đổ mưa mới xuất hiện. Trời tạnh ráo thì không trông thấy. Đó là vì sao nhỉ?
Chúng ta biết rằng, khi ánh Mặt Trời xuyên qua lăng kính tam giác sẽ sinh ra hiện tượng tán sắc, bên trong các loại ánh sáng màu tách rời nhau, chúng ta có thể trông thấy bảy loại ánh sáng màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Ánh đèn điện cũng không có gì khác là do những loại ánh sáng màu này hợp thành.
Những ngày có mưa, trong không khí chứa đầy những hạt nước li ti, đèn đường cũng bị những hạt nước nhỏ nhiều vô kể ấy bám lại. Mỗi một hạt nước nhỏ đều giống như một lăng kính nhỏ có thể phân chia ánh sáng được. Ánh sáng do đèn đường phát ra khi xuyên qua những lăng kính nhỏ nhiều không đếm xuể này cũng sẽ sinh ra hiện tượng tán sắc, ánh đèn chia thành các loại ánh sáng màu, “đan” thành từng vòng quầng sáng đẹp đẽ.
Mặt Trời và Mặt Trăng giống như những “đèn trời” khổng lồ. Khi trong đám mây mỏng trên trời cao chứa đầy hạt tinh thể băng, tia sáng đi qua chúng cũng sinh ra hiện tượng tán sắc, lộ ra những quầng sáng màu. Loại quầngsáng này gọi là “tán”. Sự xuất hiện của tán và sự xuất hiện quầng sáng xung quanh đèn đường đều có chung một nguyên lí như vậy.
Từ khoá: Lăng kính; Tán sắc của ánh sáng; Tán.