Vì sao khi đo góc và đo thời gian lại dùng đơn vị đo theo hệ cơ số 60?

Đơn vị đo thời gian là giờ, đơn vị đo góc là độ, nhìn bề ngoài chúng không hề có mối liên quan gì với nhau. Thế tại sao chúng lại được chia thành các đơn vị nhỏ có tên gọi giống nhau là phút và giây? Tại sao chúng lại sử dụng cùng hệ đếm cơ số 60?

Nghiên cữu kĩ hơn một chút ta sẽ thấy hai loại đơn vị đo lường này quả có mối liên hệ hết sức mật thiết với nhau. Ngay từ thời cổ đại, do nhu cầu của lao động sản xuất, con người phải nghiên cứu thiên văn và đặt ra lịch pháp và vì vậy có sự đụng chạm tự nhiên với việc đo góc và đo thời gian. Khi nghiên cứu sự thay đổi đêm ngày, người ta phải quan sát sự chuyển động tự quay của Trái Đất. Và rõ ràng góc của chuyển động tự quay và thời gian là có liên quan mật thiết với nhau. Vì trong lịch pháp người ta cần độ chính xác rất cao trong khi đó đơn vị đo “giờ” và đơn vị đo “độ” là rất lớn nên cần phải tìm các đơn vị đo nhỏ hơn. Các đơn vị nhỏ hơn để đo thời gian và góc phải có tính chất chung là: Đơn vị nhỏ này phải có bội số là 1/2,1/3,1/4,1/5,1/6 . Nếu lấy 1/60 làm đơn vị thì hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó. Ví dụ 1/2 chính là 30 lần của 1/60 ,1/3 là 20 lần của 1/60 ,1/4 là 15 lần của 1/60 …

Trong toán học, người ta chọn đơn vị 1/60 gọi là “phút” và kí hiệu “,” (dùng cho đo góc) và ph hoặc min (dùng cho đo thời gian) và dùng đơn vị 1/60 của phút là “giây”, kí hiệu “,,” (dùng cho đo góc) và s (dùng cho đo thời gian). Thời gian và góc đều lấy phút và giây làm các đơn vị nhỏ là vì thế.

Dùng các đơn vị hệ đếm cơ số 60 trong nhiều trường hợp cũng có nhiều thuận lợi. Ví dụ số 1/3 nếu dùng hệ đếm thập phân thì phải biểu diễn thành một số lẻ vô hạn, trong khi dùng hệ đếm cơ số 60 thì được biểu diễn bằng một số nguyên.

Hệ đếm cơ số 60 đã được các nhà khoa học trên thế giới dùng trong thiên văn và lịch pháp và còn được duy trì cho đến ngày nay.

Từ khoá: Đo thời gian; Đo góc; Hệ đếm cơ số 60.