Vì sao lại chụp được ảnh màu?

Mấy chục năm trước người ta chỉ chụp được phim ảnh đen trắng. Bấy giờ người ta chỉ dùng cách tô màu để biến phim ảnh đen trắng thành phim ảnh màu. Ban đầu người ta nghĩ cách dùng biện pháp tô màu bằng tay tô dần từng hình ảnh trên cuộn phim để biến phim ảnh đen trắng thành phim ảnh màu. Thế nhưng khi chiếu phim, người ta phải chiếu với tốc độ 24 hình/giây, vì vậy nếu dùng cách tô màu thì phải dùng đến nhiều tháng, nhiều năm mới tô màu xong một bộ phim. Làm như vậy, sau khi tô màu xong bộ phim, thì màu sẽ không còn tươi mới nữa, giữa hình ảnh của các khuông hình màu sẽ không đều.

Ngày nay thì màu, hình ảnh của các bộ phim màu rất đều, đẹp, màu tươi như thật? Vì sao vậy?

Mọi người đều biết ba loại bột màu đỏ, vàng, lam trộn với nhau có thể phối chế thành màu bất kỳ. Đỏ, vàng, lam là ba màu gốc của “hội hoạ ba màu”. Tương tự nếu dùng ba loại ánh sáng màu: đỏ, lục, lam (không phải là đỏ, vàng, lam) phối trộn với nhau sẽ cho ánh sáng có màu bất kỳ. Ba màu đỏ, lục, lam được gọi là ba màu gốc của “ánh sáng ba màu”.

Trên phim ảnh đen trắng người ta dùng bạc halogenua làm chất cảm quang. Người ta tìm thấy nếu dùng đơn thuần bạc halogenua làm chất cảm quang thì chỉ nhạy với màu lam. Nếu thêm vào bạc halogenua một loại “thuốc nhuộm đặc biệt” có thể làm bạc halogenua nhạy cảm với màu đỏ hoặc màu lục. Loại thuốc nhuộm có tính đặc thù này là các chất “tăng cảm quang”. Từ đó người ta mới nghĩ đến việc chế tạo loại “phim nhiều lớp”. Trước hết người ta trải lên đế lớp nhũ tương có chất tăng nhạy cảm cho màu đỏ, được gọi là lớp “nhũ tương nhạy cảm màu đỏ”. Lại trải tiếp loại nhũ tương có thêm chất tăng cảm quang cho ánh sáng màu lục, gọi là lớp “nhũ tương nhạy cảm màu lục”. Trên cùng người ta trải lớp nhũ tương không thêm chất tăng cảm quang người ta gọi đó là lớp nhũ tương “nhạy với màu lam”.

Khi người ta chụp ảnh, quay phim, nhờ ống kính máy chụp ảnh, máy quay phim, ánh sáng màu sẽ rơi lên phim tráng nhiều lớp.

Sau khi ánh sáng phân giải, tuỳ thuộc thành phần ánh sáng đỏ, lục, lam trong chùm ánh sáng nhiều hay ít mà tác dụng khác nhau trên các lớp nhũ tương có nhạy cảm khác nhau với ánh sáng. Sau khi tráng phim, sẽ hiện ra màu sắc trên phim. Chỉ có điều lạ là nếu y phục có màu đỏ, hình ảnh chụp sẽ có y phục màu xanh, màu lam biến thành có màu xanh da trời, màu xanh lại biến thành màu đỏ.

Đây chính là phim âm bản. Nếu đem phim âm bản in lại trên phim màu khác, bấy giờ mới trả lại trên phim hình ảnh có màu vốn có của vật thực. Bấy giờ quần áo màu đỏ mới được “khôi phục” lại màu đỏ tươi vốn có của nó, màu xanh da trời được trả lại màu lam, màu đỏ được trả lại màu lục. Như vậy trong điện ảnh màu, cách quay phim là: trước hết người ta ghi hình ảnh trên phim là phim âm bản, sau đó lại in lại trên cuộn phim khác thành phim dương bản. Khi chiếu hình ảnh lên màn bạc chính là phim dương bản.

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay có nhiều loại chất tăng cảm. Ngoài các loại phim màu âm bản và dương bản thường, còn có vật liệu cảm quang chuyển đổi màu hình ảnh, vật liệu cảm quang hồng ngoại hàng không… được sử dụng trong nhiếp ảnh, điện ảnh, văn hoá, giáo dục, trong chẩn đoán y khoa, trong chụp ảnh hàng không cho đến trong trinh sát quân sự…

Từ khoá: Phim màu; Vật liệu cảm quang.