Vì sao lại sản sinh gió rồng cuốn?
Gió rồng cuốn dân gian gọi là “rồng hút nước” (vòi rồng). Đó có thể là vì ngoại hình của nó giống như con rồng trong chuyện thần thoại, từ trên trời cúi xuống hút nước dưới đất lên.
Trên thực tế nó giống như một cái phễu lớn, là cột không khí hình trụ quay tròn dữ dội. Phần trên của gió rồng cuốn tiếp giáp với mây, phần dưới có thể nằm trên không trung, có lúc tiếp giáp với mặt đất, gọi là rồng hút đất, nếu tiếp giáp với nước gọi là rồng hút nước.
Có lúc cùng một đám mây xuất hiện hai vòi cuốn, vừa quay tròn vừa tiến lên phía trước.
Gió rồng cuốn rất nguy hiểm, tốc độ gió thường từ mấy chục mét đến trăm m/s, cần nhớ rằng gió cấp 12 mới chỉ là 33 m/s. Do đó sức phá hoại của gió rồng cuốn lớn đến kinh người. Có một lần gió rồng cuốn đã tấn công vào vùng phố Đông, khu quân sự và ngoại ô phía tây T hượng Hải. Lần đó nó đã cuốn đi một xitéc đựng dầu nặng 110 tấn, cao bằng tòa nhà ba bốn tầng lên cao 15 m, đi xa hơn 120 m.
Khi nó đi qua một trường học đã làm sập khu giảng đường bằng bê tông cốt thép cao bốn tầng, một ký túc xá hai tầng bị phá hủy triệt để.
Phạm vi gió rồng cuốn nói chung không vượt quá 1 km. Đường kính của nó thông thường từ 25 -100 m, đường đi kéo dài không quá 100 – 1000 m. Nó bỗng nhiên xuất hiện, bỗng tan ngay trong vòng mấy phút, lâu nhất không quá mấy giờ. Đường đi của nó ngắn nhất chỉ 30 m, dài nhất chỉ mấy trăm mét.
Gió rồng cuốn (vòi rồng) được hình thành như thế nào?
Cái nôi sinh ra gió rồng cuốn là phía dưới những đám mây giông.
Bên bờ sông nước chảy xiết về phía trước, bạn có thể nhìn thấy khi gặp một khúc gỗ hay cột cầu chặn lại, tốc độ dòng chảy bỗng nhiên thay đổi, dòng nước xoáy tròn thành xoáy ốc. Tương tự, gió rồng cuốn là vòng xoáy của không khí.
Trong những đám mây giông phát triển nhanh, không khí nhiễu động rất mạnh, nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió và tốc độ gió trong đó chênh lệch rất lớn, gây nên gió rồng cuốn. Ví dụ khi luồng khí trượt xuống phía dưới thường tốc độ gió mạnh từ cấp 8 trở lên, còn tốc độ gió bốc lên chỉ đạt cấp 3 – 4, nó khiến cho không khí trong đám mây giông trở nên hỗn loạn, sản sinh ra xoáy. Khi dòng xoáy phát triển đến một mức độ nhất định thì sẽ hình thành gió rồng cuốn.
Lại ví dụ khi nhiệt độ tầng trên và tầng dưới chênh lệch lớn, như ở mặt đất nhiệt độ trên 20°C, còn nhiệt độ phía dưới đám mây giông giảm đến 10°C, ở độ cao 4000 m nhiệt độ 0°C, ở 8000 m là -30°C. Lúc đó luồng không khí lạnh chảy xiết xuống dưới, không khí nóng bốc lên mạnh, không khí giữa hai tầng trên dưới nhiễu động liên tục sẽ hình thành nhiều dòng xoáy, đó là điều kiện hình thành gió rồng cuốn.
Vì vậy gió rồng cuốn thường phát sinh vào mùa quá độ từ xuân sang hè, hoặc từ hè sang thu và phát sinh cùng với sự hình thành những đám mây giông mạnh mẽ.
T ừ khoá: Gió rồng cuốn; Mây giông.